Mùa nắng nóng: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở trẻ em

07:05, 16/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Hiện nay, thời tiết nắng nóng khiến một số trẻ em mắc các bệnh tăng cao. Một số dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát như: Tay chân miệng, quai bị, tiêu chảy... Hiện Khoa Nhi - BVĐK tỉnh đang trong tình trạng quá tải.

Quá tải bệnh nhân nhi

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, tại một số phòng khám tư, cơ sở y tế, số bệnh nhân nhi đến khám và điều trị tăng đột biến. Tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, các y, bác sĩ phải làm việc vất vả do lượng bệnh nhân gia tăng, với trên 150 trẻ điều trị nội trú. Phần lớn các cháu dưới 5 tuổi, nhập viện với biểu hiện sốt cao, có trường hợp co giật, nôn và đi ngoài nhiều; bỏ bú, khó thở... Cùng với đó là một số dịch bệnh nguy hiểm dễ bùng phát như: Bệnh tay chân miệng (15 ca); quai bị (7 ca)... Tại các phòng khám tư trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, trung bình mỗi ngày hơn 50 bệnh nhân đến khám và điều trị.

Bệnh mùa nắng gia tăng khiến nhiều trẻ em nhập viện.
Bệnh mùa nắng gia tăng khiến nhiều trẻ em nhập viện.


Tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh thực kê 110 giường bệnh, nhưng do đang sửa chữa nên chỉ kê được 90 giường, dẫn đến nhiều trường hợp phải nằm ghép. “Khoa đã bố trí hơn 20 giường xếp để giảm quá tải giường bệnh, song thời điểm này thời tiết nắng nóng số lượng bệnh nhân đông hơn, nên một số trường hợp phải nằm ghép là khó tránh khỏi”, bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ - Trưởng Khoa Nhi cho biết.
 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có gần 400 ca sốt xuất huyết, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ; tay chân miệng có 32 ca, so với cùng kỳ giảm; quai bị có 63 ca… Các ca bệnh đều được giám sát, chăm sóc, điều trị tại nhà hoặc các đơn vị y tế; không có trường hợp tử vong; chưa hình thành các ổ dịch nghiêm trọng.

Không nên lạm dụng kháng sinh

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, với thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài hiện nay, trẻ em rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ không nên chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh cho trẻ, không được tự ý mua thuốc cho con uống khi mắc bệnh. Vì tại bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp  lạm dụng thuốc kháng sinh, tự ý điều trị tại nhà dẫn đến bệnh của trẻ diễn biến nặng. Bé Trần Đỗ Hân (3 tuổi), ở TP. Quảng Ngãi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, bố mẹ em cứ nghĩ bé cảm sốt thông thường, nên tự ý ra tiệm thuốc tây mua thuốc cảm và  hạ sốt điều trị cho bé. Tuy nhiên, sau hai ngày tình trạng sốt của bé không khỏi nên đưa bé nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bị tay chân miệng ở độ 2B. Với trường hợp này, bác sĩ phải cho bé truyền gama globulil (thuốc đặc hiệu ngăn chặn biến chứng tim mạch).

Hiện nay rất nhiều phụ huynh có con nhỏ bị bệnh thường có thói quen tự ý mua thuốc ở các quày thuốc tư nhân để điều trị. Bác sĩ Phụ cho rằng, thói quen này ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phát triển của bé sau này. Đối với nhân viên bán thuốc, do không phải là người có chuyên môn điều trị, nên thường lạm dụng nhiều loại kháng sinh trong điều trị hoặc cho điều trị kháng sinh đối với những bệnh không cần thiết dễ dẫn đến tác dụng phụ. Nhiều bậc cha mẹ, chỉ thấy một số những triệu chứng đơn giản của trẻ đã vội đi mua kháng sinh cho con uống, hoặc thấy con có dấu hiệu khỏi bệnh liền dừng, không cho uống đủ liều dẫn đến trẻ bị kháng thuốc”.

Ngoài ra, bác sĩ Phụ cũng khuyến cáo, mùa nắng nóng, trẻ em bị sốt do nhiễm siêu vi gia tăng, phụ huynh không nên lạm dụng việc truyền nước cho trẻ. Trẻ chỉ được truyền nước khi có chỉ định của bác sĩ, nếu tiêu chảy nhiều, sốt gây nôn dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc truyền nước đối với trẻ, bác sĩ cũng nên cân nhắc, bởi vì trẻ có cơ thể yếu, dễ xảy ra rủi ro, sốc...

Trước tình hình dịch bệnh mùa hè có nguy cơ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trên người của tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016. Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và số tử vong do các dịch bệnh, ngăn ngừa kịp thời, không để các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát.
         

Bài, ảnh: KN

 


.