(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, thông qua nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (Nghị quyết 30a của Chính phủ), huyện Ba Tơ đã được đầu tư nhân lực, trang thiết bị cho y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước đây, Trạm Y tế xã Ba Vinh là căn nhà cấp 4 xuống cấp trầm trọng, thiếu trang thiết bị y tế, người dân đến khám, chữa bệnh hết sức khó khăn. Năm 2015, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Ngân hàng Ngoại thương và ngân sách địa phương, công trình Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang với kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Trạm có quy mô hai tầng, có trang thiết bị hiện đại như điện tim, máy xét nghiệm... nên bà con nơi đây rất phấn khởi. Ông Phạm Văn Tăm, ở Làng Huy, xã Ba Vinh bị bệnh cao huyết áp và đau đầu thay vì đến Trung tâm Y tế huyện cách xa 7 km như trước, nay ông đã tin tưởng đến Trạm Y tế xã để khám bệnh. “Bây giờ trạm xây dựng khang trang rồi, có bác sĩ khám bệnh, nên bà con vui lắm, đỡ phải xuống huyện xa xôi...”, ông Tăm phấn khởi nói.
Trạm Y tế xã Ba Vinh được xây dựng khang trang, hiện đại. |
“Hiện nay, tỷ lệ trạm y tế xã thuộc các huyện miền núi trong tỉnh đạt chuẩn y tế và bộ tiêu chí quốc gia khoảng gần 40%. Riêng toàn tỉnh đạt 70%. Cùng với tăng cường nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ngành cũng đã và đang nỗ lực đào tạo các bác sĩ liên thông, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế địa bàn miền núi, nhằm thu hẹp khoảng cách y tế giữa các địa phương”. Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế |
Trạm Y tế xã Ba Điền cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Trạm có thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim đã giúp đồng bào được chăm sóc, phòng chống bệnh tật tốt hơn. “Nhờ được thăm khám sàng lọc thường xuyên mà hai năm nay, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã không còn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của bà con. Người dân giờ đã biết chủ động ăn ở vệ sinh, thường xuyên đến trạm y tế để khám bệnh”, bác sĩ Đỗ Văn Thông -Trưởng Trạm Y tế xã Ba Điền cho biết. Đến nay, xã Ba Điền đã được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
“Nhờ sự quan tâm của các cấp, trong việc đầu tư cơ sở vật chất mà đến nay huyện có 13/20 xã đạt chuẩn y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia. Năm 2016, chúng tôi tiếp tục phấn đấu thêm 2 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia, tạo điều kiện cho người dân có nơi khám chữa bệnh tốt hơn”, bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho hay.
Huyện Ba Tơ cũng đã tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Toàn huyện có 5 trạm y tế xã có đầy đủ máy siêu âm, điện tim; 11 trạm có máy điện tim; hầu hết các trạm đều có trang bị máy vi tính, mạng Intenet giúp thuận lợi trong thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT, giám sát dịch bệnh. Ngoài ra, huyện còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ. Đến nay, Ba Tơ đã có 21 bác sĩ hoạt động tại 20 trạm y tế.
Nhờ mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, nên hiện tượng chữa bệnh bằng bùa phép, cúng bái, sinh đẻ tại nhà đã giảm hẳn. Hầu hết người dân miền núi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí và sử dụng thẻ có hiệu quả. Bên cạnh những thuận lợi trên, y tế miền núi Ba Tơ cũng còn nhiều khó khăn. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của y, bác sĩ không đồng đều. Chế độ đãi ngộ để động viên bác sĩ, nhân viên y tế từ đồng bằng lên miền núi công tác còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân...
Bài, ảnh: KN