Sớm phát hiện chứng rối loạn tự kỷ ở trẻ em

10:09, 10/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội chứng rối loạn tự kỷ là một dạng rối loạn về sự phát triển, thường gặp ở trẻ em trai nhiều hơn ở trẻ em gái. Hiện nay, chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cũng chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu, nhưng nếu phát hiện sớm dấu hiệu trẻ bị tự kỷ sẽ có biện pháp can thiệp, điều trị  tâm lý phù hợp, đem lại hiệu quả cao hơn, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.

Rối loạn tự kỷ là một bệnh lý bao gồm các khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, kỹ năng phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, các hành vi, mối quan hệ, hành vi bó hẹp kỳ quặc và bất thường. Những trẻ tự kỷ thường rất dễ bị những rối loạn chức năng phát triển. Ví dụ như là kỹ năng tự chăm sóc, quan hệ giao tiếp, trí tuệ, ngôn ngữ… Những rối loạn này có thể xuất hiện ngay từ những năm đầu đời của trẻ, thường là trước 3 tuổi. Những trẻ em bị hội chứng này có thể gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống, một số trẻ có khả năng thông minh nhưng mắc bệnh này cũng có thể mất đi khả năng tốt đó, không có khả năng hòa nhập.

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khoảng 80% trẻ tự kỷ sẽ trở lại bình thường.                 Ảnh: Internet
Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khoảng 80% trẻ tự kỷ sẽ trở lại bình thường. Ảnh: Internet


Chị Lê Thị Cẩm T. ở TP. Quảng Ngãi đưa con đến điều trị chứng tự kỷ tại Bệnh viện Tâm thần kể: “Cháu nhà bị chứng tự kỷ mà gia đình phát hiện hơi muộn. Lúc đầu, cháu hay nghịch phá, chạy nhảy liên tục không giữ được, nói cháu cũng không chú ý, nhưng cứ nghĩ rằng là con trai nên phải hiếu động. Sau này, khi cháu vào lớp 1 thấy học không tốt, cô giáo lại hay thông báo là cháu ít tập trung, không giao lưu với bạn bè, nên đưa cháu đi kiểm tra thì mới hay rằng cháu bị bệnh này”.

Trẻ bị chứng rối loạn tự kỷ thường có những dấu hiệu như: Giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ ít bi bô hoặc đáp ứng kém đối với người đối thoại và chăm sóc mình. Trẻ ít nhìn hoặc không nhìn người đối thoại khi chơi và giao tiếp. Trẻ không có cảm xúc, tình cảm đối với mọi người xung quanh hoặc không biết dùng những cử chỉ không lời của mình như là mắt, nét mặt, cử động cơ thể  để biểu lộ cảm xúc. Trẻ có những hành vi không bình thường trong vấn đề cầm, nắm, lăn bò từ bên này sang bên khác…

Giai đoạn từ trên 9 tháng trở đi trẻ bắt đầu phát triển ngôn ngữ, giai đoạn này sự phát triển ngôn ngữ của trẻ kém đi hoặc có thể là trẻ không nói hoặc nếu nói được sẽ hay nói lặp lại hay nhại lời theo câu nói của người đối thoại. Một điểm ở trẻ tự kỷ nữa là hay lãnh đạm, không biểu lộ cảm xúc, thích chơi một mình, ít muốn hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ. Trẻ thường hay dán mắt vào truyền hình cả giờ đồng hồ liền, đôi khi có những hành động chạy, nhảy, không ngồi yên một chỗ, leo trèo cao mà không biết nguy hiểm sẽ xảy ra với mình.

Thời gian tốt nhất để điều trị bệnh tự kỷ là khi trẻ 18 đến 36 tháng tuổi. Nếu để quá muộn thì việc can thiệp sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển ở trẻ để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu của rối loạn tự kỷ và can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Trà- Trưởng khoa Tâm căn tâm thần trẻ em phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trước tuổi đi học, sẽ có tác động lớn đến các kỹ năng, sự hoà nhập xã hội của trẻ, cũng như giảm chi phí cho việc can thiệp khi trẻ lớn lên. Qua đó sẽ tránh các nguy cơ như: Chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ, kỹ năng và khuyết tật sau này cho trẻ. Ngoài ra, giúp cha mẹ biết được cách chăm sóc, điều chỉnh hành vi, thái độ và tham gia hỗ trợ điều trị cho trẻ”.

Bình Minh

 


.