Công tác DS-KHHGĐ: Khó khăn cần được tháo gỡ

09:09, 15/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên đạt 9,2%0 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra). Tuy nhiên, hiện tại công tác DS-KHHGĐ đang gặp khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ.

Kinh phí bị cắt giảm

Từ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, mỗi năm tỉnh ta được Trung ương phân bổ khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2014 bị cắt giảm chỉ còn hơn 6 tỷ đồng, tức giảm gần 40%. Nguyên nhân chính của việc cắt giảm là ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Thiếu kinh phí nên một số hoạt động không thực hiện được, nhất là hạn chế trong công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, hội thảo… cũng bị hạn chế. Mặt khác, đối tượng được cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai bị hạn chế.

 

Lớp học mầm non của trẻ em miền núi Sơn Tây.
Lớp học mầm non của trẻ em miền núi Sơn Tây.


Anh Lê Văn Minh- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghĩa Hành thở dài: “Do nguồn kinh phí không có nên tiến độ triển khai chiến dịch tại các xã chậm. Khó khăn về kinh phí nên chúng tôi không thể tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ”. Anh Minh cho biết thêm, gói dịch vụ khám, phát hiện các bệnh qua đường sinh sản năm nay tại các xã miền núi chỉ có khám và tư vấn chứ không có thuốc như mọi năm. Cùng với đó, các dự án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn khó triển khai đạt hiệu quả.

Nhiều cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ lo ngại sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu được giao do khó khăn về kinh phí, trong khi đó chỉ tiêu giao năm 2015 cao hơn nhiều so với trước đó. Nếu như năm 2014, chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai giảm 53 nghìn ca/năm thì năm 2015 chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai là 67 nghìn ca. Đến thời điểm này, kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai toàn tỉnh chỉ đạt 69%. Sắp tới bước vào mùa mưa, một số địa phương, nhất là ở vùng có mức sinh cao thường gặp khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn cuối năm.

“Dự báo năm nay khó đạt chỉ tiêu đề ra. Ngành dân số tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, động viên đội ngũ cán bộ công tác dân số cơ sở nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra; đồng thời huy động sự hỗ trợ của địa phương về kinh phí nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông…”, ông Nguyễn Văn Quang-Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết.

Tiến đến xã hội hóa công tác dân số

Để thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh thực hiện hoạt động truyền thông. Thực tế cho thấy hoạt động truyền thông trực tiếp rất hiệu quả, vai trò phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông, vận động cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”… Do đó rất cần hỗ trợ kinh phí để thực hiện lâu dài, đạt hiệu quả.

Cùng với đó, cơ cấu dân số theo tuổi đang chuyển dần sang cơ cấu dân số già; tổ chức bộ máy tuyến huyện và xã chưa ổn định. Đó là những thách thức không nhỏ trong công tác dân số hiện nay. Bên cạnh đó, phạm vi bao cấp các phương tiện, dịch vụ KHHGĐ bị thu hẹp (Nhà nước chỉ miễn phí cho đối tượng cận nghèo, nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn lại người dân phải tự chi trả hoặc chi trả một phần). Chính vì vậy, xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ là mục tiêu mà ngành dân số đang hướng đến.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang cho rằng: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ là một tất yếu. Ngành dân số sẽ tham mưu cho Sở Y tế nghiên cứu xây dựng giá dịch vụ KHHGĐ; tham mưu các cấp lãnh đạo bổ sung nguồn ngân sách của địa phương cho các hoạt động còn thiếu, huy động cộng đồng tham gia, chia sẻ nguồn lực, góp phần cùng ngành dân số hoàn thành các mục tiêu đề ra”.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.