(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã nhiều lần đề cập nhưng đến nay việc thu gom, xử lý rác thải y tế (RTYT) tại các trạm y tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các trạm y tế xử lý rác thải bằng cách đốt hoặc chôn lấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xử lý bằng đốt thủ công
Hằng ngày, lượng rác thải ở mỗi trạm y tế khoảng 0,5kg. Chính vì lượng rác thải không nhiều nên việc xử lý rác lâu nay bị bỏ ngỏ, mỗi nơi một kiểu. Trạm Y tế xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) được xây mới từ năm 2007 và đạt chuẩn y tế quốc gia vào năm 2010. Chưa được xây dựng lò đốt rác thủ công, nên lượng RTYT nguy hại được trạm đốt trên nền nhà phía sau trạm. Phần tro sau đó được cán bộ y tế thu dọn đưa ra nơi tập kết rác phía trước trạm cho xe môi trường thu gom chung với rác sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Hương, nữ hộ sinh ở Trạm y tế xã Nghĩa Phương thở dài: “Biết rằng cách xử lý này không hiệu quả đối với các loại RTYT như kim tiêm, lọ thuốc; đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường... nhưng đành chịu vì không có cách xử lý nào khác”.
Không có lò đốt thủ công, Trạm y tế thị trấn La Hà tận dụng ống bi để đốt rác. |
Theo chị Hương, trạm chưa có lò đốt thủ công nên gặp nhiều bất tiện trong xử lý RTYT. Mỗi tuần cán bộ y tế ở trạm thay phiên đốt RTYT khoảng 3-4 lần. Điều đáng nói, trạm ở ngay trên quốc lộ, xung quanh là nhà dân nên việc đốt rác tại trạm là chưa đúng theo quy định bảo vệ môi trường. Mỗi năm, trạm khám-chữa bệnh nội trú cho khoảng 7.000 lượt bệnh nhân, với gần chục trường hợp sinh đẻ tại trạm nên khối lượng RTYT phát sinh tại trạm là tương đối lớn. Bên cạnh đó, nguồn nước thải y tế cũng được thải chung với nước sinh hoạt.
Còn tại Trạm y tế thị trấn La Hà cũng diễn ra tương tự. Chị Nguyễn Thị Thúy Nhàn - Trưởng trạm cho biết: “Mặc dù trạm khá gần với Bệnh viện Đa khoa huyện, nhưng để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không gửi bệnh viện đốt tại lò đốt mà tận dụng ống bi để đốt RTYT tại trạm”. Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa có tổng cộng 15 trạm y tế xã, thị trấn, nhưng có 3 trạm không có lò đốt rác thủ công và 4 trạm lò đốt xây quá lâu nên đã hư hỏng.
Theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế), khi chất thải y tế (CTYT) không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Đồng thời, việc thu gom, phân loại và xử lý các CTYT không bảo đảm đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải. Tro từ lò đốt lại được chôn lấp hoặc xử lý như rác thải thông thường. Bà Trần Thị Hạ Vũ- Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Cách xử lý này khiến CTYT không bảo đảm yêu cầu khi thải ra môi trường”. Như vậy, việc tiêu hủy sau cùng chất thải rắn y tế lâu nay không được kiểm soát.
Thiếu xe chuyên dụng
Không xử lý bằng cách chôn lấp, hay đốt RTYT ngay tại trạm như một số địa phương khác, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hầu hết các trạm y tế trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đều tổ chức thu gom rác. Sau đó, lượng lớn RTYT này được đưa về Trung tâm y tế dự phòng, sau đó được cán bộ trung tâm tiếp tục đưa lên nơi xử lý tập trung tại lò đốt ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Tuy nhiên, việc vận chuyển RTYT đến lò đốt này thì lại đang tồn tại bất cập do không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Hiện nay, RTYT tại các trạm trên địa bàn đều chỉ được đóng vào các hộp đơn giản và vận chuyển đi bằng xe máy.
“Chúng tôi không đốt rác tại trạm vì không đảm bảo quy định. Cứ 2 đến 3 ngày là chúng tôi lại vận chuyển rác đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi 1 lần”, bác sĩ Lê Thị Bích Thu- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố cho biết. Điều đáng nói là việc tập kết rác tại 23 trạm y tế xã, phường cũng gặp khó khăn, vì nhiều trạm y tế khá xa trung tâm y tế thành phố; nhân viên y tế làm công tác thu gom RTYT cũng chưa được hưởng chế độ phụ cấp nào...
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 121/183 trạm y tế chưa có cam kết bảo vệ môi trường và chưa có trạm y tế nào có hệ thống xử lý nước thải y tế. Theo ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, công tác quản lý CTYT tại các cơ sở y tế chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là tại các cơ sở y tế hệ dự phòng và trạm y tế xã, phường, thị trấn. “Về lâu dài, chúng tôi đang lập Đề án tổng thể xử lý CTYT tỉnh, định hướng đến năm 2020, theo hướng thực hiện áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung. Mô hình thứ 2, sẽ xử lý theo cụm cơ sở y tế và mô hình xử lý tại chỗ áp dụng cho các cơ sở xử lý quy mô nhỏ và rất nhỏ khác, nhằm đảm bảo xử lý tốt chất thải rắn y tế độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Đức nói.
Bài, ảnh: KIM NGÂN