Những loại cua lạ gây ngộ độc

01:07, 20/07/2015
.

Cua biển là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, bên cạnh những loại cua đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cũng có nhiều loại cua chứa độc tố gây nguy hiểm.

Cua biển là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, bên cạnh những loại cua đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cũng có nhiều loại cua chứa độc tố gây nguy hiểm.Dưới đây là một số loại cua biển mang độc tố người dùng nên biết.

Cua mặt quỷ

Cua mặt quỷ là loại cua có độc phổ biến ở vùng biển nước ta, sinh sống ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp. Một người chỉ cần ăn khoảng 0,5g (1 thìa cà phê) thịt càng cua loại này là có thể bị ngộ độc thần kinh, dẫn đến tử vong. Độc tố trong cua mặt quỷ chủ yếu là Saxitonin, nằm ở thịt, trứng cua, nhiều nhất là thịt càng và chân cua.


Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho độc tố Saxitonin trong cua mặt quỷ. Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu là làm cho bệnh nhân nôn sớm và nôn càng nhiều càng tốt, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc; hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn (thở ôxy, truyền dịch, trợ tim mạch...).

Ngày 8/5 vừa qua, 3 công nhân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phải nhập viện trong tình trạng tê cứng chân, tay, khó thở do ăn cua mặt quỷ. Do được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Cua đá biển

Ngày 27/5 vừa qua, một cháu bé 10 tuổi ở Quảng Trị bị ngộ độc sau khi ăn cua đá biển được bắt về từ đảo Cồn Cỏ. Sau khi ăn được 15 phút, cháu bé bị nôn và tử vong, em trai có dấu hiệu ngộ độc tương tự và được đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu.


Cua đá biển là một loài cua đất lớn thuộc chi Gecarcoidea, có vỏ màu tím sậm, chân dài và càng ngắn. Chúng là loài động vật ăn đêm, ban ngày trú ẩn trong các hang đào. Thức ăn chủ yếu của cua đá biển là các loại thực vật. Cua đá biển khi chín thì chuyển sang màu gạch.

Cua hạt

Cua hạt cũng là loại cua chứa chất độc nguy hiểm như cua mặt quỷ. Vỏ đầu ngực của chúng có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía.Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt thường được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tằm - Nha Trang.

Phòng ngộ độc do ăn cua lạ

Để phòng ngộ độc, tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại cua biển nghi ngờ có độc, các loài cua biển lạ, màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ quái để chế biến thành thức ăn. Tốt nhất những loại cua lạ chưa bao giờ ăn thì không nên dùng.

Khi bị ngộ độc do ăn cua lạ, người bệnh có biểu hiện tê rát, bỏng ở môi, đầu lưỡi, đau bụng và có thể xuất hiện thêm triệu chứng đau đầu, tê bì chân tay, đi đứng loạng choạng, rối loạn ý thức, hôn mê. Nặng thì có thể bị suy hô hấp cấp, trụy tim mạch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Để cấp cứu kịp thời, biện pháp hữu hiệu là kích thích cho bệnh nhân nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt.Sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
 

Theo Thu Hà/SKĐS

 


.