Nối nhịp cầu phòng, chống HIV/AIDS

02:05, 07/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, mạng lưới CTV phòng chống HIV/AIDS (120 người) ở 60 xã, phường trọng điểm trên địa bàn tỉnh ta được thành lập. Họ là hạt nhân năng nổ, nhiệt huyết của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, cán bộ y tế ở địa phương... Biết rằng, khi kiêm nhiệm thêm công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ “đi sớm về khuya”, thậm chí đối mặt với những nguy hiểm từ đối tượng nghiện hút...  song họ vẫn đồng hành với cuộc chiến phòng, chống căn bệnh thế kỷ...

TIN LIÊN QUAN

Những tuyên truyền viên tích cực

Chị Đoàn Thị Diễm- Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phổ Văn (Đức Phổ) là một trong những tuyên truyền viên tích cực. Gắn bó từ những ngày đầu tiên mô hình được triển khai, đến nay chị Diễm đã trở thành cán bộ tuyên truyền nòng cốt và cộng tác đắc lực trong công tác  phòng, chống HIV của xã. Chị Diễm chia sẻ: Thời gian đầu, khi đến các nhà nghỉ, quán karaoke trên địa bàn để tiếp cận nhân viên phục vụ, gái mại dâm... nhóm CTV của chị thường bị chủ quán gây khó dễ, thậm chí là đóng cửa “không tiếp”.

Những lúc như vậy anh em CTV động viên nhau phải kiên trì, khéo léo để có thể làm quen, trò chuyện, từ đó tư vấn cách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục và HIV/AIDS cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nhóm CTV của chị Diễm còn thường xuyên động viên, chia sẻ với những chị em lầm lỡ. Sự cảm thông, chân thành đã giúp nhóm “cảm hóa” và có được niềm tin của nhiều chị em đang hành nghề mại dâm ở địa phương.

Cũng như chị Diễm, chị Nguyễn Thị Mên- Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đức Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) cũng rất nhiệt tình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của xã. Chị Mên đã nhiều năm tham gia công tác phòng, chống TNXH ở địa phương nên tiếp cận, chăm sóc nhiều trường hợp nhiễm HIV hoặc bệnh nhân AIDS. Trong đó có trường hợp của chị D. không sao làm chị quên được. Chị D hành nghề mại dâm ở địa phương khác rồi bị nhiễm HIV.

Ở giai đoạn chuyển sang AIDS, chị D. trở về quê tại Đức Thạnh, nhưng bị gia đình bỏ mặc, xa lánh và phải sống ở một nơi tạm bợ. Chị Mên đã tuyên truyền cho bà con trong địa phương xóa bỏ sự kỳ thị, đồng thời xin giường chiếu, quần áo và chăm sóc chị D. ở những năm tháng cuối đời. Cũng chính cái chết của chị D. là động lực để chị Mên thêm quyết tâm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chị chia sẻ: “Mong những đóng góp nhỏ bé của mình có thể giúp xã hội xóa bỏ sự kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS; đồng thời làm giảm bớt phần nào những cái chết đau lòng như vậy”.

Gắn bó hết mình

Trước khi tham gia công tác phòng, chống HIV, mỗi CTV đều được bổ sung kiến thức, cung cấp tài liệu cũng như tập huấn xử lý tình huống khi tiếp cận người nhiễm HIV và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, khi bước vào thực tế, những CTV này vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ trước nhiều tình huống. Chị Diễm kể, khi lần đầu tham gia mạng lưới CTV, chị đến nhà 1 bệnh nhân nam nhiễm HIV ở địa phương để tuyên truyền thì bị vợ của bệnh nhân này hiểu nhầm và chửi như tát nước vào mặt. Sau một hồi giải thích mình là CTV phòng, chống HIV, người vợ lại quay ra trách móc chồng mình đã nói bệnh tật cho người khác biết, khiến gia đình xấu hổ.

Anh Huỳnh Văn Phú, CTV phòng chống HIV/AIDS xã Phổ Văn cũng nhớ mãi lần gặp mặt đầy bất ngờ giữa anh và một người bạn lâu năm, cũng chính là bệnh nhân HIV mà trước đó anh không hề hay biết. Sau khi vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu, anh Phú càng thêm hiểu và cảm thông với khó khăn và mặc cảm của bạn mình cũng như những bệnh nhân HIV khác. Anh chia sẻ: “Có tiếp xúc, gần gũi với người bệnh, mình mới thấy hết tầm quan trọng của việc sẻ chia, hỗ trợ các kiến thức cần thiết để họ vượt qua mặc cảm trong cuộc sống, cũng như biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng”.

Đảm trách công việc có tính chất nhạy cảm, với mức trợ cấp hàng tháng chỉ từ 50-200 ngàn đồng nhưng những CTV như chị Mên, chị Diễm, anh Phú… vẫn hoạt động hết mình, gắn bó, tận tâm với công việc.  Bác sĩ Võ Mẫn- Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Thời gian qua, mạng lưới CTV ở tỉnh ta đã hỗ trợ rất đắc lực cho những cán bộ chuyên trách trong việc tiếp cận và tuyên truyền đến bệnh nhân HIV và những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV. Những đóng góp của họ rất có ý nghĩa, vì phòng, chống HIV/AIDS thực sự là cuộc chiến chung tay của toàn xã hội”.

HÀ XUYÊN
 


.