Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

09:05, 30/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- So với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2015 đến nay đã tăng gần gấp đôi. Hiện toàn tỉnh đã có 100 trường hợp mắc. Trong khi đó, chỉ số véc tơ truyền bệnh (muỗi) tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao.
 
Muỗi xuất hiện với mật độ dày
 
Tại huyện Tư Nghĩa, nếu như cùng kỳ năm ngoái chỉ mới ghi nhận khoảng 6-8 trường hợp mắc sốt xuất huyết, thì đến thời điểm này đã có 25 ca mắc. Tại nhiều địa phương như thị trấn La Hà, xã Nghĩa Phương, Nghĩa Thương… liên tục phát hiện nhiều bệnh nhân mắc bệnh.
 
Ngay khi có nguồn tin có người bị bệnh sốt xuất huyết trong khu dân cư, bà Thượng Thị Hòa ngụ ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà liền bắt tay vào vệ sinh các chậu, lu đọng nước và phát quang bụi rậm quanh nhà. Bà Hòa lo lắng cho hay: Bệnh sốt xuất huyết tuy không phải là bệnh nan y nhưng nếu không cẩn thận dễ có nhiều biến chứng nguy hại đến tính mạng. Vả lại, tôi phải cẩn thận vì trong nhà có trẻ nhỏ, thường xuyên bị muỗi đốt.

 

Phải thường xuyên súc, rửa các dụng cụ đựng nước trong nhà để tránh tình trạng muỗi sinh sôi
Phải thường xuyên súc, rửa các dụng cụ đựng nước trong nhà để tránh tình trạng muỗi sinh sôi
 
Trái với những năm trước, nhận thức của người dân ở các khu dân cư về căn bệnh sốt xuất huyết đã được nâng cao rất nhiều. Thế nhưng, tình trạng muỗi xuất hiện dày đặc và số ca mắc sốt xuất huyết vẫn không hề giảm. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 100 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với những năm trước.
 
Đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, nhưng theo ghi nhận của nhiều người dân, muỗi- véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết xuất hiện nhiều và sớm hơn so với mọi năm. Điều này, khiến cho nguy cơ bùng phát dịch tại các địa phương ngày càng cao. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, số muỗi trung bình tại một nhà dân là từ 0,5 con trở lên. Số lăng quăng, bọ gậy là trên 30, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, tại huyện Tư Nghĩa, chỉ số bộ gậy vừa được điều tra là 16, trong khi năm 2014 chỉ có 6,7.
 
Tích cực ngăn chặn bệnh bùng phát
 
Để chủ động phòng dịch, các địa phương đã triển khai biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, tập trung nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân cùng với ngành Y tế phòng dịch sốt xuất huyết.
 
Tại các địa phương xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết, cán bộ y tế dự phòng đã chủ động về tận các khu dân cư để phát tờ rơi tuyên truyền vệ sinh môi trường sinh hoạt, không để nước đọng trong các dụng cụ lâu ngày, phải thả cá vào các chậu cảnh… Bên cạnh đó, còn tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các địa phương đang xảy ra dịch.

 

Ngành y tế tích cực thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và tuyên truyền tăng cường nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Ngành y tế tích cực thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và tuyên truyền tăng cường nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
 
Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Tại những vùng trọng điểm, chúng tôi tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường với tần suất 2 tuần/lần. Đối với các vùng chưa xảy ra dịch thì tiến hành phun thuốc 1 tháng/lần. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương nắm rõ các chỉ số véc tơ để đánh giá các yếu tố nguy cơ trên địa bàn huyện quản lý, xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết đặc biệt là kế hoạch phun hóa chất chủ động.
 
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã nhập trên 1.600 lít hóa chất diệt muỗi, tăng cường 4 máy phun thuốc về cho các địa phương để tập trung phòng bệnh. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt phun hóa chất chủ động tại các địa phương có yếu tố nguy cơ cao và triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm để muỗi gây bệnh không có điều kiện cư trú, sinh sản.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.