(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh dại ở người do một loại vi rút gây ra, thông thường do chó dại cắn. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tại Quảng Ngãi, năm 2014 có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cả 4 trường hợp này bị chó cắn nhưng không được xử lý vết thương và không tiêm vắc xin.
Đường lây truyền của bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước.
Đa số bệnh dại ở người là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số ít là do mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác cắn. Bệnh dại gây ra do khỉ và chuột là rất hiếm. Ngựa, lừa, trâu, bò cũng có thể bị bệnh dại và lây qua cho người khi chúng tấn công hoặc đôi khi chỉ là tiếp xúc, chăm sóc mà vô tình nước bọt của chúng dính vào những vết thương trên cơ thể người.
Người mắc bệnh dại khi cắn người khác có thể làm cho người đó bị bệnh dại. Những người chăm sóc bệnh nhân bị bệnh dại khi tiếp xúc với nước bọt của người bệnh có thể bị bệnh dại. Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người do cấy ghép giác mạc hoặc do các nội tạng khác là tương đối hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Những người giết mổ chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại, xử lý phần não hoặc các bộ phận khác bị nhiễm vi rút.
Những biểu hiện khi người bị bệnh dại.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh. Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày.
Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng. Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy hình ánh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.
Vùng bị cắn - vết thương ở đầu và cổ, bộ phận sinh dục, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách gần hơn cho vi rút xâm nhập vào mô thần kinh. Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong chỉ sau 2 - 3 ngày.
Xử lý vết cắn khi bị động vật cắn.
Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt và phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Những điều không nên làm và lưu ý:
Khi rửa không làm dập, nát thêm vết thương hoặc tổn thương rộng hơn; tránh sử dụng các chất kích thích bôi vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; không băng bó, đắp thuốc kín vết thương; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam để điều trị; nghiêm cấm việc giết mổ đối với động vật bị dại hoặc nghi dại.
Khi bị chó dại cắn mà lên cơn thì 100% là tử vong. Do vậy, khi bị chó cắn người bệnh cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể. Việc theo dõi sát con chó (mèo) đã cắn là rất cần thiết. Nếu chó đi mất, hoặc bị ốm, bị chết, bị giết thịt, bị bán… thì báo ngay cho cán bộ y tế biết để thay đổi cách xử trí cho người bệnh phù hợp hơn. Tiêm vắc xin càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Khánh Huyền