(Báo Quảng Ngãi)- Theo Thông tư 05/2008/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đưa số cán bộ chuyên trách (CBCT) vào biên chế thành viên chức. Thế nhưng, ở tỉnh ta hiện nay 184 CBCT dân số vẫn đang mòn mỏi chờ ngày vào biên chế. Điều này khiến đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở chưa an tâm công tác, phần nào ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ.
Hiện nay cả nước đã có 51 tỉnh, thành thực hiện Thông tư 05 về việc tuyển dụng đội ngũ CBCT dân số vào biên chế. Ở tỉnh ta đến nay vẫn chưa thực hiện quy định này. Đây là một trong những bất cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ CBCT dân số, làm hạn chế tính tích cực trong công tác. 20 năm qua, chị Nguyễn Thị Tiếp-CBCT ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã có nhiều đóng góp cho công tác dân số ở địa phương. Chị Tiếp cho biết, Nghĩa Kỳ là xã có diện tích rộng và đông dân nhất huyện Tư Nghĩa, với trên 17 nghìn dân. Toàn xã có 9 thôn với 29 cộng tác viên dân số.
Chị Nguyễn Thị Tiếp- Cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Kỳ trao đổi về kiến thức DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Công tác DS-KHHGĐ của xã gặp không ít khó khăn, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Do đó công việc của chị Tiếp rất vất vả. “Nhiều lúc cảm thấy nản. Nhiều việc nhưng mức phụ cấp chẳng là bao. Nghĩ đến lợi ích của cộng đồng nên cố gắng công tác. Giờ tôi chỉ mong sớm vào biên chế để có chế độ tương xứng trước khi đến tuổi nghỉ hưu”, chị Tiếp bộc bạch.
Anh Nguyễn Duy Khanh-CBCT dân số ở Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) cũng trải qua nhiều khó khăn, thiệt thòi khi gắn với công tác dân số ở địa phương. Anh Khanh kể rằng, hơn 10 năm về trước, khi được giao nhiệm vụ, anh gặp không ít khó khăn trong vận động người dân thực hiện KHHGĐ. Tuy nhiên, với bản tính kiên trì và trách nhiệm, anh đã chọn đối tượng tuyên truyền là người chồng trong gia đình, sau đó mới vận động chị em. Anh Khanh cho biết thêm, đi tuyên truyền, vận động phải tranh thủ lúc sáng sớm hay chiều tối mới có người dân ở nhà. Nhiều lúc bị mắng xối xả, thậm chị bị đuổi ra khỏi nhà. Công việc vất vả nhưng mức phụ cấp quá thấp, không đủ tiền đổ xăng đi vận động.
Không chỉ có chị Tiếp, anh Khanh mà 184 CBCT dân số ở các địa phương trong tỉnh đang mong mỏi được trở thành viên chức, để bù đắp bao mồ hôi công sức đổ ra trong suốt chặng đường dài vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Hiện nay CBCT dân số cấp xã vẫn đang thực hiện chế độ hợp đồng ngắn hạn, chỉ được hưởng mức phụ cấp ít ỏi hàng tháng trích từ kinh phí sự nghiệp của ngành (từ 0,9 đến 0,95% mức lương tối thiểu) và không được hưởng các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong khi đó trách nhiệm của cán bộ dân số xã, phường rất nặng nề. Ngoài mục tiêu giảm sinh, đòi hỏi CBCT phải nỗ lực để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động, hướng dẫn bà mẹ mang thai siêu âm, xét nghiệm để chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sau sinh… Thực tế thời gian qua, có không ít CBCT dân số xin nghỉ việc vì mức phụ cấp quá thấp trong khi phải lo trang trải cuộc sống gia đình. Hiện nay, nhiều CBCT dân số chưa yên tâm công tác, tâm lý dao động; chất lượng làm việc bị giảm sút...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở cũng đã trình đề án đưa cán bộ CTDT xã vào biên chế và nhiều lần đề nghị tỉnh quan tâm, nhưng do một số vướng mắc nên gây chậm trễ, thiệt thòi cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Sắp tới Sở sẽ làm việc với tỉnh để sớm trình đề án lên Bộ Nội vụ nhằm giải quyết trở ngại về vấn đề vào biên chế cho cán bộ dân số cơ sở, giúp họ an tâm công tác”.
Bài, ảnh: KN