Nỗ lực phòng chống HIV/AIDS ở Nghĩa Trung

09:03, 05/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) hiện là địa phương có số người nhiễm HIV nhiều nhất tỉnh. Con số lũy tích đến nay là 12 trường hợp, trong đó 3 người đã tử vong. Cơ quan chức năng hiện đang đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV ở địa phương này.

TIN LIÊN QUAN

Đối tượng lây nhiễm HIV trên địa bàn xã Nghĩa Trung ở độ tuổi còn rất trẻ, chủ yếu từ 20 - 34 tuổi. Rất nhiều người trong số đó là nông dân, kinh tế còn khó khăn, tranh thủ lúc nông nhàn đến các tỉnh phía Nam tìm việc làm để kiếm sống. Trong môi trường mới, do không làm chủ được bản thân đã bị nhiễm bệnh. Khi về với gia đình, tuy đã mang mầm bệnh nhưng có thể họ không hay biết, hoặc muốn giấu gia đình nên cán bộ y tế rất khó tiếp cận, tư vấn. Ngoài ra, một số trường hợp lây nhiễm do tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con.

 Cán bộ chuyên trách HIV/AIDS xã Nghĩa Trung thăm hỏi sức khỏe cháu N.
Cán bộ chuyên trách HIV/AIDS xã Nghĩa Trung thăm hỏi sức khỏe cháu N.


Vợ chồng chị S. cũng như nhiều nông dân khác, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thế nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Vợ chồng chị khăn gói vào Nam để mưu sinh. Sau 5 năm làm ăn xa trở về, trong một lần xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, kết quả dương tính với virus HIV, chị S. suy sụp hoàn toàn. Ở xứ người, trong một lần không kìm nén được tình cảm, chị đã quan hệ với một người đàn ông và bị lây bệnh. Đau đớn hơn, chồng chị cũng bị lây nhiễm HIV từ vợ. Cuộc sống của họ tưởng chừng như rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền, hội, đoàn thể địa phương và cán bộ chuyên trách, vợ chồng chị vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống, lo cho con cái và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trường hợp của cháu N. càng bi đát hơn, mới chào đời đã bị nhiễm HIV do bị lây truyền từ mẹ. Đến nay bé N. đã 9 tuổi. Dù ở độ tuổi trẻ thơ, chưa nhận biết bất hạnh đời mình, nhưng trông N. già dặn so với lứa tuổi, bởi cùng lúc chứng kiến bố mẹ lần lượt ra đi vì AIDS. Mọi gánh nặng chăm lo cho N. đều dồn lên vai bà nội đã 82 tuổi. Cuộc sống của N. hiện tại rất khó khăn. Nhưng dù vậy, nhiều năm liền N. là học sinh giỏi toàn diện. Nói trong nước mắt, bà nội N. nghẹn ngào. “Trước đây, cháu nó học mầm non, nhiều phụ huynh phản đối, may nhờ chính quyền địa phương can thiệp, cháu mới có điều kiện học hành như bao đứa trẻ khác”. Trường hợp của N. là một trong những nỗi đau do căn bệnh HIV gây ra. Chỉ vì thiếu hiểu biết về kiến thức phòng tránh mà nhiều người đã phải trả giá đắt.

Hiện tại ở xã Nghĩa Trung chỉ có 6 trường hợp sinh sống tại địa phương, còn lại đi các địa phương khác để làm ăn. “Một phần họ còn khỏe mạnh phải ly hương để kiếm sống, một phần vì xa lánh người làng xung quanh vì ngại bị kỳ thị, dèm pha của người đời. Đây cũng là thực tế khó khăn của địa phương trong công tác quản lý đối tượng, phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, bác sĩ Đồng Văn Thân-Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Trung cho hay.  

Trước thực tế trên, để thực hiện mục tiêu “ba không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS), chính quyền địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy, trong 3 năm gần đây, địa phương chỉ xuất hiện 1 ca mắc mới HIV.

Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm HIV trong cộng đồng trên địa bàn xã Nghĩa Trung vẫn còn khá cao, khi mà số người đi làm ăn xa của địa phương hằng năm luôn tăng cao. Nhiều bệnh nhân HIV chưa chủ động hợp tác với các đơn vị y tế trong chăm sóc sức khỏe, sợ cộng đồng xa lánh, kỳ thị nên giấu bệnh. Xã Nghĩa Trung hiện vẫn thiếu đội ngũ làm công tác phòng chống HIV/AIDS, thiếu cộng tác viên, đồng đẳng viên cơ sở. Để công tác phòng chống HIV/AIDS ở xã Nghĩa Trung đạt hiệu quả cao hơn cần sự hỗ trợ tích cực của đơn vị chức năng các cấp.
     

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.