(Baoquangngai.vn)- Khởi đầu với muôn vàn thử thách, nhưng bằng sự nỗ lực, đồng lòng, những cán bộ y tế đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đã ra sức, chung tay phát triển ngành y tế tỉnh nhà. Để rồi 40 năm sau ngày giải phóng, người dân được chăm sóc y tế chu đáo với nhiều kỹ thuật y tế mới, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo chất lượng cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
40 năm qua đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân Quảng Ngãi, Nhưng ông Nguyễn Hiền- Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi những năm 1970 vẫn nhớ như in những gian khổ của ngành y lúc bấy giờ. Thuở ấy, dù chiến tranh ác liệt, nhưng những y tá, bác sĩ luôn miệt mài với công việc thiêng liêng của mình là cứu chữa cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong những túp lều sơ tán, hay địa đạo tối tăm.
“Họ làm việc 24/24 giờ không lúc nào dừng, tuy rằng điều kiện vật chất rất khó khăn. Vừa là thuốc men, thiết bị y tế không có, cũng vừa là cơ sở phải di chuyển thường xuyên để tránh những làn đạn của kẻ thù”- Ông Nguyễn Hiền nhớ lại thời khắc lịch sử trong quá khứ. Để rồi, giây phút chiến thắng vỡ òa trong niềm vui của nhân dân, chiến sĩ và của cả những người thầy thuốc vào ngày 24.3.1975.
Trạm y tế xã Nghĩa Hòa- một trong nhiều trạm y tế được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, thiết bị y tế hiện đại. |
Từ đó, có những địa điểm, đơn vị đã trở thành điểm nhấn vẻ vang của ngành y thời chiến với Bệnh xá Bác Mười, Bệnh xá Nước Riềng, Bệnh xá T30 hay địa đạo Đám Toái… Chính những con người nơi ấy đã góp phần cùng với tỉnh nhà làm nên chiến thắng lịch sử, mang lại hòa bình cho dân tộc.
Sau ngày giải phóng, vượt lên khó khăn, ngành Y tế đã kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Từ 1 Bệnh viện tuyến tỉnh, 11 bệnh xá và 100 trạm xá xã với quy mô nhỏ đến nay, mạng lưới y tế cơ sở đã phủ khắp 183 xã, phường và tận thôn, bản. 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc. 70% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều trạm đã được trang bị máy móc hiện đại như: máy điện tim, siêu âm, máy sinh hóa ... đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị ban đầu cho người dân.
Cùng với sự phát triển của ngành y ở thời điểm hiện tại là sự hài lòng của người dân khi được thụ hưởng chăm sóc y tế có chất lượng. Cụ bà Nguyễn Thị Thới ngụ xã Nghĩa Hòa tuổi nay đã ngót nghét 80 hằng tháng vẫn đến trạm y tế xã để xin thuốc, chữa bệnh đau lưng. Bà Thới tự hào nói: So với 40 năm trước, thì bây giờ đi khám, chữa bệnh sướng quá nhiều rồi. Máy móc hiện đại, lại được hỗ trợ bảo hiểm y tế nên người dân chẳng tốn nhiều tiền.
Bên cạnh y tế tuyến cơ sở được hỗ trợ máy móc cần thiết để phục vụ cho người dân, bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh cũng được chú trọng đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại như: Máy Citi 64 lát cắt, máy chụp MRI, máy tách thành phần máu... Những kỹ thuật y học hiện đại cũng được áp dụng và triển khai thành công. Trong đó, phải kể đến là kỹ thuật phẫu thuật nội soi, thay cho mổ mở đối với các bệnh liên quan đến tiêu hóa, tai mũi họng, sản khoa và đặc biệt là khớp gối.
Một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi |
Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Sau khi trang bị những trang thiết bị hiện đại thì Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã đào tạo 1 ekip con người phục vụ cho những kỹ thuật cao đó. Hiện Bệnh viện đang có 176/650 bác sĩ trên toàn tỉnh với ¼ tổng số giường bệnh, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lớn của người dân trong việc khám, chữa bệnh.
Không thể phủ nhận rằng, từ ngày giải phóng, ngành y đã có những bước tiến rất dài, trở thành tiền đề vững chắc để tiếp tục thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong 40 năm qua, ông Nguyễn Tấn Đức chia sẻ định hướng của ngành y tế trong thời gian tới: “Song song với củng cố y tế cơ sở, chúng tôi sẽ phát triển y tế dịch vụ chất lượng cao. Về nhân lực, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đào tạo chuyên sâu, bác sỹ CK2, Tiến sỹ và dự kiến sẽ gởi cán bộ y tế đi nước ngoài đào tạo tiếp thu những thành tựu y học thế giới”.
Bài, ảnh: Thanh Phương