Gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV ở miền núi

10:02, 13/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, người dân ở các huyện miền núi đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Do nhận thức còn hạn chế nên nhiều người sa vào các tệ nạn. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người nhiễm HIV/ AIDS tại các huyện miền núi trong tỉnh có chiều hướng gia tăng.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây 5 năm, chị Phạm Thị T và chị Phạm Thị K (ngụ ở huyện Ba Tơ) với mong muốn đổi đời, hai chị quyết định rời làng đi làm ăn xa. Sau thời gian, hai người quen và yêu cùng một người đàn ông. Và kết quả cả hai chị đều bị lây nhiễm HIV. “Chỉ vì chủ quan, không biết cách phòng tránh nên giờ bị bệnh. Mới đầu buồn lắm, nhưng giờ mình được bác sĩ tư vấn cách điều trị nên sức khỏe ổn định hơn”, chị T cho hay. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, sự kỳ thị của cộng đồng, giờ chị T đã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền để người dân xung quanh hiểu tác hại của dịch bệnh HIV/AIDS.

Bác sĩ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân HIV.
Bác sĩ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân HIV.


Cũng như chị T và chị K, chị Phạm Thị B (cũng ở Ba Tơ),  nhiều năm đi làm tại TP.Hồ Chí Minh, đầu năm 2014, chị B  trở về quê sinh sống. Trong một lần bị ốm, chị B được bác sĩ cho làm xét nghiệm máu. Kết quả, chị đã bị dương tính với vi-rut HIV. “Mình không biết bị lây hồi nào. Giờ cuộc sống mình khó khăn lắm. Người dân xung quanh và cả người thân còn ngại tiếp xúc, không dám ăn chung, ở gần mình”, chị B giọng buồn nói.

Ba Tơ là huyện miền núi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất tỉnh với 21 người mắc (còn sống 18 người). Toàn huyện có 15 xã, thị trấn thì đã có 8 xã có người nhiễm HIV. Hầu hết những người nhiễm HIV đều có thời gian đi làm ăn xa, nhiều nhất là đi vào các tỉnh phía Nam. Họ cũng không hề hay biết bị lây nhiễm khi nào. Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh ta số người nhiễm HIV được phát hiện là 589 người; số còn sống hiện có 392 người. Năm 2014, toàn tỉnh phát hiện mới 50 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 6 huyện miền núi chiếm gần 30%. Riêng ở Tây Trà, năm 2014 là năm đầu tiên địa phương phát hiện ca nhiễm HIV mới, với 4 trường hợp. Các huyện còn lại có ca mắc mới như Sơn Hà (2), Trà Bồng (1) và Ba Tơ (3).

Bác sĩ Võ Mẫn - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Tỷ lệ người nhiễm HIV ở miền núi có chiều hướng tăng, trong khi đó việc quản lý, tiếp cận, điều trị đối với người nhiễm HIV còn khó khăn. Nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh, sợ mọi người kỳ thị nên ngại tìm đến cơ sở y tế để điều trị. Thêm vào đó, sự thiếu hiểu biết về bệnh, chưa biết cách phòng ngừa là nguy cơ khiến số người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục tăng ở các huyện miền núi. Bên cạnh đó, nhân lực làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn mỏng. Nguồn ngân sách đầu tư của chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn hạn hẹp. Các chương trình, dự án chủ yếu tập trung triển khai ở thành thị và đồng bằng, nên những người có nguy cơ mắc bệnh ở các xã, thị trấn thuộc huyện miền núi khó có điều kiện đi nghe tư vấn, xét nghiệm tự nguyện.

Bác sĩ Võ Mẫn cho rằng, để hoạt động truyền thông can thiệp giảm thiểu tác hại thực sự mang lại hiệu quả, cần phải có sự phối hợp của các sở, ban, ngành; sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa của chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là các huyện miền núi. Có như vậy mới có thể  giám sát, ngăn ngừa, hỗ trợ người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; đồng thời tư vấn về cách phòng ngừa lây bệnh cho cộng đồng”.

Bài, ảnh: KN
 


.