Trẻ bị HIV: Chông chênh con đường hoà nhập

01:01, 09/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sự sống gắn liền với bệnh tật và mất mát, những đứa trẻ bị nhiễm HIV mang đầy thiệt thòi trong suốt cuộc đời. Sự xa lánh và kỳ thị của xã hội, càng làm con đường hòa nhập cộng đồng của các em thêm chông chênh.

TIN LIÊN QUAN

Cũng như bao đứa trẻ bình thường, trẻ bị nhiễm HIV nuôi ước mơ bình dị được đi học, được chơi đùa cùng bạn bè . Nhưng khi bệnh tật và lỗi lầm của cha mẹ theo các em đến trường, sự thiếu cảm thông của một bộ phận con người trong xã hội đã khiến những đứa trẻ vô tội ấy thành “có tội”.

Chông chênh…

Chúng tôi đến thăm em N.V.T (SN 2002) ở Sơn Tịnh, vào một ngày cuối đông trời se lạnh. Trên cánh đồng trước nhà, T. đang thui thủi dầm mưa bắt cá. Đứa trẻ 12 tuổi này mang trong mình căn bệnh thế kỷ, do lây nhiễm từ mẹ lúc mới sinh. Mẹ em đã mất cách đây 5 năm vì bệnh AIDS. Một năm sau, em trai của T. cũng qua đời vì HIV khi mới 5 tuổi. Cuộc đời T. may mắn hơn nhiều đứa trẻ bị nhiễm HIV khác vì cha em, anh N.V.H không bị lây nhiễm HIV từ vợ. Hiện nay, T sống cùng cha và ông bà nội.

Cha mẹ qua đời, để lại cháu A. bơ vơ.
Cha mẹ qua đời, để lại cháu A. bơ vơ.


Nhưng cách đây 4 năm, niềm vui đến trường của em đã không còn. Vì bệnh tật và sự xa lánh của bạn bè ở lớp, khiến T. đã phải nghỉ học. Anh H. tâm sự trong nước mắt: Cơ thể T. bị mụn nước và thường tiêu chảy nên đi học rất vất vả, thầy cô cũng ngại tiếp xúc. Còn phụ huynh ở trường thì không cho con mình chơi với T. vì sợ lây nhiễm HIV. Hằng ngày, khi những đứa trẻ trong xóm đều đến trường, T. thui thủi trong nhà, tự bày trò để chơi. Khi được hỏi: “Em có muốn đi học lại không”, T. chỉ cúi mặt gật đầu. Em vẫn nghĩ mình hay đau ốm nên ba không cho đi học. Hàng ngày, T. nhắc mình phải uống thuốc đúng giờ. Tâm hồn ngây thơ của em luôn tin rằng, hết bệnh rồi, cha sẽ cho em đi học lại. T. còn quá nhỏ để có thể ý thức về căn bệnh đã và sẽ theo mình suốt đời.

Không may mắn như T., em N.T.K.A (SN 2004) ở khu dân cư số 7, thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) cũng bị nhiễm HIV từ ba mẹ, nhưng cuộc đời em chỉ còn nương tựa vào ông nội và các cô, dì. Cha mẹ A. đi làm ăn xa rồi lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Cha A. đã mất năm 2007 vì chuyển qua AIDS. Hai mẹ con em về Quảng Ngãi sinh sống, đến đầu năm 2014 thì mẹ em qua đời vì nhiễm trùng cơ hội do HIV.

Trước đây, có mẹ chăm sóc và che chở cho em, nhắc nhở em giờ giấc uống thuốc. Mẹ mất rồi, em phải tập chăm lo cho mình, tập sống cùng căn bệnh HIV. Hiện A. đang học lớp 5. Bác sĩ Nguyễn Đình Cơ - Trưởng Trạm y tế xã Đức Lân cho biết: Thời gian đầu, việc đi học của A. gặp khó khăn, vì bạn bè xa lánh. Trạm y tế xã phải tích cực tư vấn cho thầy cô và phụ huynh ở trường về căn bệnh HIV để A. được hòa nhập.

Hằng ngày, cháu T. thui thủi chơi một mình.
Hằng ngày, cháu T. thui thủi chơi một mình.


Tuy nhiên, cuộc sống của em vẫn khó khăn, thiếu thốn tình cảm và chông chênh, vì ông nội em đã ngoài tuổi 80. Ngay chính những người thân trong gia đình cũng không đảm bảo che chở cho em khi ông nội qua đời. Ông nội A. chia sẻ: Gia đình đang tìm các trung tâm bảo trợ xã hội ở miền Nam để gửi em. A. chỉ mới 10 tuổi, một mình em phải chống chọi với bệnh tật, với những cơn tiêu chảy, sốt ho kéo dài. Nhìn em bơ vơ trong căn nhà chỉ còn bàn thờ cha mẹ, chúng tôi không khỏi xót xa. Em rất cần một điểm tựa giữa cuộc đời rộng lớn này, nhưng rồi những định kiến xã hội với  bệnh nhân HIV/AIDS, có thể sẽ dập tắt những hy vọng của em.

…Cần lắm sự cảm thông
 

Điều 22, khoản 1 mục b của Nghị định 69/2011/NĐ-CP quy định: Hành vi cản trở hoặc từ chối tiếp nhận trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên vào học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do người đó nhiễm HIV hoặc là thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ông Võ Mẫn- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Ngãi cho biết:  Hiện toàn tỉnh ghi nhận 577 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, TP.Quảng Ngãi có khoảng 70 người và chưa có trường hợp trẻ em bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều em chỉ cần có cha mẹ, hoặc sống trong gia đình có người bị HIV/AIDS cũng chịu sự kỳ thị của xã hội. Đáng buồn là, sự kỳ thị ấy càng nghiêm trọng hơn với trẻ em thành phố, nơi mà kiến thức về HIV được truyền bá sâu rộng và phổ biến hơn những vùng nông thôn.

Chị Vy Thị Thu Đường - Phó Trạm y tế phường Nghĩa Chánh, chuyên trách chăm sóc sức khỏe HIV/AIDS, cho biết: Phường Nghĩa Chánh hiện có 4 trường hợp trẻ em có mẹ hoặc cha bị nhiễm HIV. Bản thân các cháu trên đều gặp nhiều khó khăn khi đi học và tiếp xúc với hàng xóm. Chị Đường chia sẻ: “Tôi đã nhận nhiều cuộc điện thoại từ nhà trường, thầy cô để xác minh việc cha, mẹ các cháu trên có bị nhiễm HIV hoặc chết vì HIV/AIDS…”.

 Như trường hợp cháu M., dù đã được chị Đường giải thích, tư vấn cụ thể, nhưng cô giáo nơi cháu được gửi mẫu giáo vẫn phải cho cháu nghỉ học. Vì các phụ huynh khác biết cha, mẹ M. đã chết vì căn bệnh HIV nên kiên quyết không cho con học cùng. Hay như cháu H. có mẹ bị nhiễm HIV, bản thân cháu khi đi học bị bạn bè xa lánh, khi về nhà cũng chỉ thui thủi chơi trong nhà. Chị Đường đã nhiều lần tư vấn và động viên thầy cô, gia đình để cháu được tiếp xúc, hòa nhập với cộng đồng, nhưng sự kỳ thị đó vẫn còn.

Ông Mẫn khẳng định: “HIV là một bệnh mãn tính, lây qua đường tình dục, qua máu và từ mẹ sang con. Đối với trẻ em, bệnh chỉ lây qua đường máu và lây từ mẹ sang con. Do đó, khả năng nhiễm HIV do học chung với trẻ bị HIV hoặc cha mẹ bị HIV là rất thấp, hoặc không có khả năng. Trẻ em, dù ở hoàn cảnh nào, vẫn cần sự đùm bọc, yêu thương. Trẻ bị HIV càng cần có cái nhìn cảm thông và sẻ chia của xã hội, để giúp các em dễ dàng hòa nhập cộng đồng, giảm bớt phần nào thiệt thòi trong cuộc đời các em”.


Bài, ảnh: Hà Xuyên


 


.