Nỗi niềm y tế học đường

09:12, 02/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh tuyến ban đầu cho học sinh - những thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các điểm trường trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa có cán bộ y tế chuyên trách. Điều đó cho thấy, công tác y tế học đường vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, hầu hết các trường bậc học mầm non đều có nhân viên y tế học đường. Nhưng ở bậc tiểu học và bậc THCS thì mới chỉ có phòng y tế, chưa có đầy đủ nhân viên y tế chính thức. Hai bậc học này thường là các thầy cô giáo phụ trách Đội kiêm nhiệm công tác y tế trong nhà trường. Trong một môi trường có đông học sinh với rất nhiều hoạt động học tập, thể dục thể thao, vui chơi của các em thì không tránh khỏi những tai nạn thương tích, chưa kể đến những bệnh thông thường mà các em hay mắc phải thì y tế trong trường học là tuyến đầu giúp các các em kịp thời sơ cấp cứu để chuyển lên tuyến trên.

Với tình hình bệnh dịch phức tạp hiện nay, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh ở trường học như sởi, sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay chân miệng...
 

Một em học sinh đang được nhân viên y tế của Trường Tiểu học số I Bình Chương kiểm tra sức khỏe.
Một em học sinh đang được nhân viên y tế của Trường Tiểu học số I Bình Chương kiểm tra sức khỏe.


Hiện nay, những trường đạt chuẩn quốc gia mới có phòng y tế riêng, còn lại đều được ghép chung với phòng hoạt động Đội. Nói là phòng y tế nhưng chỉ là căn phòng với một chiếc giường và tủ thuốc nhỏ, trong đó chỉ có mấy loại bông, băng, thuốc sát trùng hay thuốc hạ sốt. Vì người phụ trách y tế không có chuyên môn nên khi có trường hợp học sinh bị đau thì phải gọi phụ huynh lên đón về hoặc chuyển xuống trạm y tế của xã.

Ông Trần Văn Hùng, phụ trách mảng hoạt động ngoài giờ lên lớp, Phòng GD&DT Bình Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện Bình Sơn, có 25 trường mầm non đã có nhân viên y tế biên chế, còn 24 trường THCS và 29/34  trường tiểu học còn lại chưa có nhân viên y tế. Vì không có nhân viên y tế học đường nên Phòng giáo dục huyện luôn kết hợp với trạm y tế các xã để thường xuyên tuyên truyền về cách giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường và cách phòng bệnh. Mỗi năm, đều tổ chức khám sức khỏe một lần cho các em học sinh và thực hiện việc cho các em học sinh uống thuốc xổ giun đúng quy định. Đối với bậc THCS, kết hợp với trạm y tế tiêm vắc xin phòng uốn ván cho nữ sinh lớp 9.

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Sơn Tịnh cho biết, hầu hết bậc mầm non đều có nhân viên y tế học đường, còn bốn trường ở Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Thọ và Tịnh Phong chưa có nhân viên y tế do những trường này không tổ chức dạy bán trú cho học sinh. Ở bậc tiểu học thì chỉ có Trường Tiểu học Tịnh Minh có nhân viên y tế, các trường còn lại và bậc THCS đều chưa có nhân viên y tế, mà do các thầy cô phụ trách đội đảm nhận. Nguyên nhân do chưa có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên y tế học đường nên việc tuyển nhân viên làm hợp đồng rất khó khăn vì không đủ kinh phí.

Đối với những trường đã có nhân viên y tế thì cũng gặp không ít khó khăn, vì số lượng học sinh đông trong khi chỉ có một nhân viên y tế, hơn nữa thuốc men trong trường học cũng rất hạn chế. Chị Phan Thị Xuân Yến, nhân viên y tế ở Trường tiểu học số I Bình Chương (Bình Sơn) cho hay: Học sinh tiểu học hay đùa giỡn và thường xuyên bị té ngã hoặc bị nóng sốt. Những trường hợp như vậy, tôi có thể kịp thời cầm máu, băng bó vết thương hay cho uống thuốc hạ sốt kịp thời.

Tuy nhiên, trường có đông học sinh, nhiều lúc nhiều em đến một lúc một mình tôi không thể xử lý hết được. Tủ thuốc của nhà trường chỉ có những loại thuốc thông thường, dụng cụ sơ cấp cứu còn thiếu thốn nên cũng gây không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em.

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của học sinh trong trường học, rất cần có sự quan tâm của ngành chức năng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung biên chế nhân viên y tế học đường.
        

Bài, ảnh: Trúc Giang
 


.