Rối loạn tâm thần gia tăng ở giới trẻ

02:09, 28/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Quảng Ngãi ngày càng tăng. Mỗi ngày, BV khám, chữa bệnh cho 200- 300 người, trong đó, số bệnh nhân trẻ tuổi chiếm gần 10%.

Những con số đau lòng

Theo số liệu thống kê của BV Tâm thần Quảng Ngãi, mỗi tháng BV tiếp nhận trên 250 trẻ vị thành niên (10-19 tuổi) đến khám, điều trị ngoại tuyến vì có những biểu hiện của rối loạn tâm thần (RLTT). Trong đó, trầm cảm và rối loạn lo âu là những rối loạn phổ biến ở độ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi). Số trẻ em từ 6 tháng - 7 tuổi mắc chứng tự kỷ cũng tăng lên trong những năm gần đây.

Bác sĩ Đặng Trong- Phó Giám đốc BV, cho biết: Phần lớn trẻ em đến khám tại BV là học sinh, có những biểu hiện khá nặng của RLTT. Nguyên nhân do những biểu hiện của RLTT nhẹ khó nhận ra, khám không đúng chuyên khoa, dùng thuốc không đúng, dẫn đến bệnh ngày một nặng thì mới đưa vào BV Tâm thần. Năm 2013, BV tiếp nhận một trường hợp trẻ nhập viện điều trị trong tình trạng bồn chồn, cáu gắt, liên tục đòi chơi games. Gia đình cho biết cháu chơi games hàng tháng trời, chán ăn, bỏ ngủ và không giao tiếp với người nhà. Khi gia đình phát hiện, ngăn cấm không cho chơi games nữa thì cháu chống đối và có những biểu hiện hoảng loạn. Lúc đó, gia đình mới nhận ra cháu có biểu hiện của bệnh tâm thần nên đưa vào đây điều trị.

 

Chơi games quá nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần ở giới trẻ. (Ảnh minh họa)                     Nguồn: Internet
Chơi games quá nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần ở giới trẻ. (Ảnh minh họa) Nguồn: Internet


Theo bác sĩ Trong, những RLTT ban đầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát ở giới trẻ. Như trường hợp của em ở Mộ Đức tìm đến cái chết bằng cách tự thiêu là hồi chuông cảnh báo về nạn tự tử trong giới trẻ. Nguyên nhân do T. chán nản vì thi rớt đại học, có những biểu hiện buồn bã, trầm cảm, suy sụp tinh thần. Theo số liệu thống kê của BVĐK Quảng Ngãi, năm 2013, có 63 trường hợp trẻ dưới 18 tuổi nhập viện vì tự tử. Đầu năm 2014 đến nay có 32 trẻ tự tử nhập viện. Theo một bác sĩ tại BVĐK Quảng Ngãi, con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực tế. Bởi nhiều gia đình khi đến bệnh viện thường che giấu việc tử tự của con mình. Bên cạnh đó cũng có những gia đình vì ngại dư luận nên khi phát hiện con tự tử đã không đến bệnh viện hoặc trẻ tử vong tại nhà, nên số thống kê trên là chưa phản ánh hết.

Được biết, có không ít trẻ khi đến khám, chữa bệnh tại BV Tâm thần Quảng Ngãi cho biết đã từng có ý định tự tử. Gần đây nhất là trường hợp 1 học sinh nam lớp 11, nhiều lần có ý định tự vẫn nhưng được gia đình phát hiện kịp thời nên đã tránh được tử vong. Học sinh này bị áp lực học tập dẫn đến RLTT nặng. Khi đến khám, BV buộc giữ lại để điều trị nội trú. Một số trường hợp là nữ sinh vướng vào tình cảm yêu đương, bị ngăn cấm chuyện tình cảm cũng tìm đến cái chết bằng cách  tự tử, hoặc có biểu hiện RLTT.

Hãy làm bạn cùng con trẻ  

Giảng viên Nguyễn Văn Kính- Trưởng bộ môn tâm lý, Khoa sư phạm xã hội, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: “Trẻ em có hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, trong quá trình hưng phấn hoặc ức chế trẻ thường không thể tự cân bằng. Khi trẻ bị sang chấn tâm lý dễ trở nên yếu đuối. Nếu không có chỗ dựa về tinh thần, trẻ sẽ sinh ra trầm cảm, ức chế, nặng hơn nữa là chán chường, muốn hủy hoại cơ thể…Và khi không còn lối thoát, trẻ sẽ có ý nghĩ tự tử và tìm cách tự tử để “giải thoát” hoặc thể hiện mình”.

Khảo sát tại BV Tâm thần Quảng Ngãi chúng tôi nhận thấy, phần lớn trẻ em bị RLTT có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, ba mẹ ly dị, ly thân hoặc thường xuyên đánh đập, la mắng con cái. Mặt khác, do chúng bị tác động bởi những mặt xấu của mạng xã hội; bị áp lực từ việc học tập; cha mẹ dành sự quan tâm cho con trẻ ngày càng ít đi. Theo giảng viên Nguyễn Văn Kính, trẻ em ngày nay bị áp lực từ nhiều phía, trong đó có gia đình, nơi mà các em xem là điểm tựa. Thay vì những bữa cơm gia đình có đầy đủ bố mẹ, anh chị em thì một số trẻ phải ăn cơm một mình vì “cấn” giờ học thêm. Và thay vì hỏi con “đi học có vui không?” thì cha mẹ lại chất vấn “hôm nay được mấy điểm?”. Đó là những nguyên nhân sâu xa khiến trẻ mất kết nối hoặc “quan hệ lỏng” với gia đình.

“Để phòng tránh các RLTT ở giới trẻ, phụ huynh phải vừa là chỗ dựa, vừa là người bạn gần gũi để con có thể tâm sự, sẻ chia. Trước hết, những người làm bố mẹ hãy tập “cúi xuống” khi nói chuyện với con mình. Trước khi muốn con cái hiểu mình, thì bố mẹ hãy học cách để hiểu con. Khoảng cách giữa 2 thế hệ hoàn toàn có thể bù lấp bằng tình yêu thương ruột thịt”, thầy Kính tư vấn.

Thực tế cho thấy, trẻ em có gắn kết chặt chẽ với gia đình, bạn bè… thường dễ dàng vượt qua các sang chấn tâm lý. Khi trẻ đã có biểu hiện RLTT, gia đình nên cho trẻ thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Theo bác sĩ Trong, phát hiện và chữa trị sớm sẽ rút ngắn thời gian điều trị RLTT ở trẻ. Bên cạnh đó, gia đình phải thực sự trở thành “người bạn đồng hành” thì mới giúp trẻ vượt qua RLTT, tránh những hậu quả đáng tiếc mà căn bệnh RLTT có thể gây ra.
                                

Hà Xuyên

 


.