Người dân chủ quan với bệnh dại

07:08, 12/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đang là thời điểm giao mùa nên rất dễ xảy ra nhiều dịch bệnh, trong đó có bệnh dại ở chó nuôi. Thế nhưng, một bộ phận người dân vẫn chủ quan với bệnh dại do bị chó cắn. Hơn nữa, việc tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh dại cho chó cũng không được người dân xem trọng.

Những cái chết thương tâm

Đã hơn một năm trôi qua, nhưng người dân xóm Tà Pa, thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến cái chết của 2 người dân trong xóm. Nguyên nhân dẫn đến cái chết được ngành y tế xác định là do bệnh dại gây ra sau khi bị chó cắn. Hai nạn nhân là anh Đinh Văn Tủ (38 tuổi) và bà Đinh Thị Nên (54 tuổi). Anh Tủ và bà Nên cùng bị một con chó cắn.
 

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật. Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật; chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai, tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt 80% so với tổng đàn. Sở Y tế tăng cường các điểm tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tổ chức tốt công việc tiêm vắcxin phòng dại cho nhân dân khi bị chó, mèo cắn.

Sau khi bị cắn, cả hai đều chủ quan không đi tiêm huyết thanh kháng dại. Đến tháng 9.2013, bà Nên phát bệnh dại rồi tử vong. Còn anh Tủ, đến tháng 2.2014 cũng bị phát bệnh dại rồi tử vong. Ông Đinh Văn Boi, người thân của bà Nên, nhớ lại: Khi đang đi ngoài đường, bỗng con chó cắn vào tay của bà Nên. Bị chảy máu, nhưng bà Nên tưởng rằng không sao. Sau đó vẫn đi làm bình thưòng. Vậy mà chỉ 2 tháng sau, bà Nên lên cơn rồi chết. “Người ta bảo nếu bà Nên đi tiêm phòng ngay thì chắc là không chết. Lúc chuyển xuống bệnh viện thì bệnh đã nặng lắm rồi, nên cứu không kịp nữa”, ông Boi kể.

Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có trên 2.200 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại. Trong đó có hơn 500 người bị chó, mèo cắn nghi bệnh dại và trong số này có 2 người tử vong. Đây chỉ là con số đi tiêm phòng được thống kê, còn trên thực tế số người bị chó mèo cắn không đi tiêm phòng là không ít. Thậm chí nhiều người còn sử dụng các biện pháp khác để chữa trị, trong khi tiêm kháng huyết thanh và vắcxin dại là cách duy nhất để không chết vì bệnh dại.

Người dân thờ ơ

Sự chủ quan của ông Tủ và bà Nên đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Nhưng cũng cần biết rằng, nếu con chó cắn ông Tủ và bà Nên được tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh dại, thì ngay từ đầu đã ngăn chặn được cái chết đáng tiếc đó. Thế nhưng, nuôi chó thả rông và không tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh dại dường như là thói quen khó thay đổi của người dân. Chị Trần Thị Kim Thoa ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), cho biết: Gia đình chị nuôi 2 con chó, nhưng lâu nay, gia đình vẫn chưa một lần đi tiêm phòng văcxin ngừa bệnh dại cho chó lần nào. “Từ ngày nuôi nó đến giờ, có thấy biểu hiện gì đáng ngờ của bệnh đâu mà tiêm ngừa. Dù biết là tiêm ngừa vẫn tốt hơn, nhưng mình thấy chưa thật cần thiết”, chị Thoa nói.

Nuôi chó thả rông và không tiêm vắcxin là thói quen không tốt của người dân (ảnh minh họa).
Nuôi chó thả rông và không tiêm vắcxin là thói quen không tốt của người dân (ảnh minh họa).


Theo Chi cục Thú y Quảng Ngãi, đến thời điểm này, cũng chỉ mới tiêm được khoảng 8.000 con chó, mèo, đạt 50%. Tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đạt thấp, ngoài việc người dân chủ quan, thờ ơ trong phòng ngừa bệnh dại thì lực lượng thú y viên ở các địa phương cũng không mấy quan tâm đến chuyện quản lý, tiêm phòng cho chó, mèo nuôi trong dân. Ông Nguyễn Văn Thuận - Chi Cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho hay: Việc tiêm phòng cho chó, mèo gặp khó khăn là vì theo thói quen, người dân nông thôn và miền núi nuôi chó thường chủ yếu là thả rông. Hơn nữa, ý thức của bà con trong việc tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh dại cho chó chưa cao, khi triển khai tiêm phòng thì phải mất nhiều thời gian vận động tuyên truyền.

Ngay cả khi bị chó cắn, người dân cũng ít khi nghĩ đến việc phải đi tiêm ngừa. Theo ông Võ Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ngãi, khi bị chó, mèo nghi dại cắn và có triệu chứng dại ở người, thì những người đó thường là tử vong 100%. Theo quy định hiện nay của ngành y tế, khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm trên da bị tổn thương thì bắt buộc phải đi tiêm phòng 100%. Các biện pháp khác như dùng thuốc nam hoặc dùng những hòn ngọc để hút virus dại cũng được người dân làm, nhưng hiện nay y học chưa chứng minh được hiệu quả.


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

 


.