(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển (gọi tắt là Đề án 52), công tác DS-KHHGĐ ở 26 xã đảo, ven biển thuộc 6 huyện, thành phố trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Từ năm 2009 đến nay, sau khi triển khai Đề án 52, các địa phương vùng biển, đảo trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ. Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình có ý nghĩa thiết thực như: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, hỗ trợ sinh và sau sinh đối với bà mẹ có nguy cơ tại 5 xã của huyện Mộ Đức; mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến mang thai và sự phát triển bào thai tại 6 xã của huyện Đức Phổ…
Nhờ thực hiện Đề án 52, người dân vùng biển được chăm sóc tốt SKSS/KHHGĐ. |
Bình Sơn là một trong những điểm sáng thực hiện Đề án 52. Đề án được triển khai tại 7 xã ven biển trên địa bàn huyện. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã thành lập câu lạc bộ SKSS/KHHGĐ tại 32 thôn. Đặc biệt, 28 nhóm tư vấn với sự tham gia của cả phụ nữ lẫn nam giới ở 28 thôn thuộc 7 xã ven biển hoạt động đạt hiệu quả cao. Mỗi nhóm gồm 20 thành viên, sinh hoạt định kỳ hằng tháng.
Bà Huỳnh Thị Nghị - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bình Sơn cho biết, lúc đầu cán bộ chuyên trách dân số xã xuống từng gia đình tuyên truyền vận động, nhất là đối tượng nam giới. Thế nhưng trở ngại là họ đánh bắt dài ngày trên biển, ít có thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương và phần lớn còn có tâm lý e dè khi tham gia tư vấn về DS- KHHGĐ. Cán bộ dân số phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phân tích lợi ích của việc thực hiện tốt KHHGĐ cũng như quyền lợi của người dân khi được hưởng lợi từ Đề án 52. Các thành viên trong nhóm tư vấn, đặc biệt là ngư dân đã tranh thủ những ngày biển động ở nhà tham gia sinh hoạt nhóm. Nội dung sinh hoạt chủ yếu về chuyên đề SKSS/KHHGĐ, đồng thời lồng ghép kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Ông Đặng Chính-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhận định: Sau 5 năm hoạt động, Đề án 52 đã thực sự đi vào đời sống người dân vùng biển. Thuận lợi lớn nhất là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác truyền thông tư vấn hiệu quả hơn. Nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ ngày càng nâng cao.
Đưa dịch vụ y tế về cơ sở
Nhờ thực hiện Đề án 52, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và dịch vụ KHHGĐ đến cơ sở kịp thời. Các nhóm đối tượng, nhất là bà mẹ và trẻ em được chăm sóc y tế để cải thiện sức khỏe, phòng chống lây nhiễm HIV và tệ nạn xã hội khác; giảm số trẻ sơ sinh có dị tật dị dạng, giảm gánh nặng về chi phí cho xã hội để chăm sóc người tàn tật. Việc thu thập thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư trong đề án cũng góp phần quản lý người lao động trên biển và tăng cơ hội giảm sinh cho người dân vùng biển.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Chính cho biết thêm, đã có hàng nghìn lượt bà mẹ mang thai được khám thai, phụ nữ khám phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại… Hiện nay các địa phương đã được Tổng cục Dân số trang bị máy siêu âm xách tay để ứng dụng trong việc khám, phát hiện bệnh và kịp thời tư vấn sức khỏe cho người dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 52, trong thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho ngư dân theo các tổ, đội cùng nhau ra khơi đánh bắt xa bờ, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, SKSS/KHHGĐ. Chi cục sẽ thí điểm và nhân rộng một số mô hình, tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động; đầu tư nguồn lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Đề án 52.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG