(Báo Quảng Ngãi)- 20 năm khoác áo blouse trắng, anh không nhớ mình đã cứu giúp bao nhiêu sản phụ vượt cạn an toàn, bao nhiêu ca mổ ruột thừa nguy cấp, bao nhiêu ngư dân được chữa trị khỏe mạnh để tiếp tục vươn khơi… Chỉ biết rằng anh đã nỗ lực hết sức mình để mang đến sự sống và niềm vui cho người dân đất đảo. Anh là bác sĩ Mai Hữu Hậu (SN 1969), Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp Lý Sơn.
Bác sĩ trong lòng dân
Là người con của quê hương Lý Sơn, tuổi thơ của bác sĩ Mai Hữu Hậu gắn với vị mặn mòi của biển, với những con người da rám nắng bởi quanh năm lênh đênh sóng nước. Cậu bé Mai Hữu Hậu thuở ấy nhiều lần chứng kiến cảnh người dân quằn quại trong cơn đau vì biển khơi cách trở, không thể vào đất liền chữa bệnh. Có người vì thế đã ra đi mãi mãi. Ký ức ấy đã thôi thúc Hậu phải học thật giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh cho người dân quê mình. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Huế, bác sĩ Hậu tiên phong về quê hương để thực hiện ước mơ thuở nào.
BS Mai Hữu Hậu được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác y tế ở Lý Sơn. |
Lần đầu tiên cứu giúp người bệnh đối với bác sĩ Hậu có lẽ là ký ức không bao giờ quên. Bác sĩ Hậu kể, trong lúc chờ quyết định công tác, anh vào đất liền thăm bạn. Cùng đi trên chuyến tàu gỗ có một sản phụ đau đẻ. Đang lúc hành khách trên tàu nhốn nháo, anh đã giúp sản phụ “vượt cạn”. Tiếng khóc chào đời của cháu bé khiến người mẹ và tất cả hành khách vỡ òa sung sướng.
Bác sĩ Hậu cười hiền bảo: “Đó chỉ là một trong những kỷ niệm khó quên. Những ca phẫu thuật ngoại sản “liều lĩnh” từng khiến mình toát mồ hôi hột”. Cách đây 10 năm, có một sản phụ đau đẻ đã hai ngày nhưng mưa bão nên không tàu nào dám chạy vào đất liền. Nhận định đây là ca đẻ khó, phải đẻ chỉ huy tĩnh mạch. Nếu không vững chuyên môn thì sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung. “Trước tình thế sản phụ không chuyển dạ, không thể chờ chuyển lên tuyến trên được, liều là những gì tôi có thể làm lúc đó, lương tâm không cho phép mình bỏ bệnh nhân”, anh Hậu nhớ lại. Ca cấp cứu thành công. Anh Hậu và cả kíp phẫu thuật thở phào nhẹ nhõm.
Trong những lần tiên lượng chuẩn xác, những ca mổ khẩn cấp của bác sĩ Hậu đã cứu nhiều bệnh nhân bị đau ruột thừa, thoát vị bẹn nghẹt và nắn bó bột gãy xương… Điều đáng nói là trong bối cảnh chưa có điện lưới quốc gia, khi tiến hành một ca mổ, nhiều lúc phải vận hành máy phát điện. Có khi máy phát điện hỏng thì đơn vị phải tập trung dùng đèn pin soi để tiếp tục ca phẫu thuật. Chuyên môn giỏi, tâm huyết với bệnh nhân nên bác sĩ Hậu được bổ nhiệm chức phó giám đốc trung tâm y tế sau 3 năm công tác, sau đó giữ vai trò giám đốc trung tâm.
Người dân trên đảo ai cũng yêu thương, quý trọng bác sĩ Hậu. Với họ, anh là bác sỹ của lòng dân, đến với dân bằng tấm lòng của người thầy thuốc, tấm lòng của người con trên quê hương đất đảo. Tình cảm gần gũi, chân chất của người dân đối với anh không dễ ai cũng có được.
“Ông mối” và câu chuyện giữ chân bác sĩ
Giỏi chuyên môn, lại sống tình cảm với anh em đồng nghiệp nên bác sĩ Hậu luôn được tôn trọng và xem như người anh cả trong đại gia đình y tế để rồi mọi người thường xuyên chia ngọt sẻ bùi cùng anh. “Có lúc chúng tôi cũng có tâm lý dao động, nhưng nhờ anh Hậu động viên, chia sẻ, tạo điều kiện nên chúng tôi cảm thấy an tâm. Anh Hậu không những là thủ lĩnh trong chuyên môn mà còn là một thủ lĩnh về tinh thần để anh em noi gương học hỏi”, một đồng nghiệp của bác sĩ Hậu chia sẻ.
Đối với bác sỹ Hậu, điều khiến anh trăn trở nhất hiện nay là nhiều bác sỹ chính quy về Lý Sơn công tác thời gian ngắn lại ra đi. Từ năm 1980 đến nay, Lý Sơn có 14 con em là bác sĩ nhưng chỉ có 2 người tình nguyện về quê công tác lâu dài. Để giải “bài toán” về đội ngũ y-bác sĩ, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; tạo điều kiện cho cán bộ trung tâm học lên bác sĩ, BS Hậu còn triển khai giải pháp thoạt nghe có vẻ lạ, đó là “bắt dâu, bắt rể”.
Để giữ chân một số đồng nghiệp công tác lâu dài nơi huyện đảo, anh Hậu bàn với Bí thư Chi đoàn của trung tâm tiến hành kết nghĩa với Chi đoàn đơn vị Rada 50. Qua hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, “ông mối” bất đắc dĩ Mai Hữu Hậu tìm cách xe duyên cho những thanh niên trẻ. Từ đó nhiều người trở thành nàng dâu, chàng rể của Lý Sơn. Có nhiều đám cưới được tổ chức, cô dâu, chú rể là cán bộ-nhân viên trung tâm y tế kết duyên cùng các anh bộ đội Cụ Hồ...
Nhờ đóng góp của bác sĩ Hậu, vào thời điểm năm 1995 trung tâm chỉ có 2 bác sĩ, nay đã có 12 bác sĩ. Tuy điều kiện KCB cho nhân dân ở Lý Sơn có bước tiến đáng kể, song bác sĩ Hậu vẫn luôn trăn trở. Bác sĩ Hậu nói: “Về lâu dài, Lý Sơn rất cần những bác sĩ có chuyên môn sâu và đầu tư trang thiết bị hiện đại xứng tầm với bệnh viện hạng III, để có đủ điều kiện ứng phó khi cấp cứu thương tích cho ngư dân với số lượng đông khi gặp thiên tai, nhân tai trên biển”.
Bài, ảnh: KIM NGÂN