(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm tại Việt Nam có hơn một triệu em bé ra đời. Tuy nhiên, điều không may là có khoảng 2 - 3% trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Hiện nay, nhiều bà mẹ trong thời gian mang thai đã ý thức hơn về tầm quan trọng của việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Những chuyển biến tích cực về nhận thức
Năm 2007, chị Nguyễn Thị N. ở thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) sinh bé gái trong niềm vui, chờ đợi của gia đình. Tuy nhiên, điều không may mắn đã xảy ra khi bé bị bại não dẫn đến liệt vận động ngay từ lúc mới sinh. Ngay cả đến khi bé được 7 tuổi, chị vẫn phải quanh quẩn ở nhà, quanh năm suốt tháng trông nom, chăm sóc bé. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào lao động của người chồng. Một thời gian lâu sau, chị mới dám sinh em bé thứ hai. Lần nay, chị N cẩn thận theo các hướng dẫn của bác sĩ về việc siêu âm, xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số. |
Năm 2001, vợ chồng anh Phan C. ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) không may sinh bé trai bị mắc hội chứng Down. Anh chị phải bỏ lỡ công việc trong TP.Hồ Chí Minh, luôn cử người túc trực, trông coi con. Gần chục năm sau, anh chị mới quyết định sinh con lần hai. Từ lúc phát hiện mang thai, vợ chồng anh luôn tuân thủ kỹ càng theo các lời dặn của bác sĩ, nhất là việc kiểm tra sức khỏe thai nhi vào những thời điểm quan trọng.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Nghĩa Điền có 20 trường hợp trẻ bị dị tật bẩm sinh nằm trong độ tuổi từ 6 - 20 tuổi, trong đó 10 trường hợp bị hội chứng Down, 10 trẻ bị liệt vận động. Chị Võ Thị Hào công tác tại Trạm y tế xã Nghĩa Điền cho biết, tỷ lệ trên đã giảm trong những năm gần đây. So với thời gian trước, nhiều bà mẹ trong thời gian mang thai đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra sức khỏe bà mẹ, thai nhi, tiêm ngừa đầy đủ, uống thuốc sắt theo hướng dẫn của bác sĩ... Trạm y tế xã Nghĩa Điền đã phối hợp với các cộng tác viên y tế thôn tư vấn kiến thức chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, hướng dẫn việc kiểm tra, khám thai.
Vai trò của sàng lọc trước sinh
Bác sĩ Lê Cao Tuấn - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Các kết quả nghiên cứu ban đầu ở nước ta cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước…); mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai…
Các bà mẹ khi mang thai cần lưu ý nên khám thai, theo dõi thai định kỳ, khám sàng lọc bằng siêu âm hình thái, xét nghiệm máu để sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chế độ ăn uống cần đa dạng, tránh kiêng khem quá mức. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột, dầu ăn, hoa quả, trái cây, nên ăn thức ăn tươi, uống nhiều sữa. Làm việc vừa sức, tránh vận động nặng, đặc biệt là khi mới mang thai hoặc trong ba tháng cuối thai kỳ. Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm, không làm việc trong môi trường độc hại... |
Theo ông Đặng Chính - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những đứa trẻ không may sinh ra bị khuyết tật là thiệt thòi cho trẻ, vừa là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo đó, mục đích của chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Quy trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh gồm xét nghiệm máu mẹ và siêu âm hình thái thai nhi cho phép đánh giá nguy cơ thai nhi bị mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác... Sàng lọc trước sinh nên được thực hiện sớm, khi có thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, tất cả các thai phụ nên tham gia sàng lọc trước sinh, đặc biệt những trường hợp phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, kết hôn cận huyết, thai phụ tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại... Kết quả của các xét nghiệm sàng lọc trước sinh có thể giúp cho thai phụ và gia đình hiểu được tình trạng sức khỏe của thai nhi, có thể giúp cho người nhà và bác sĩ lập kế hoạch theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Ông Đặng Chính cho biết, nếu được phát hiện sớm, người nhà sẽ được tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị giúp trẻ có được cuộc sống bình thường khỏe mạnh, tránh được những biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, chương trình sàng lọc sơ sinh bước đầu được triển khai tại một số đơn vị trong tỉnh. Chi cục DS-KHHGĐ đang soạn văn bản để đưa chương trình sàng lọc trở nên phổ biển hơn, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, phát hiện sớm một số bệnh lý của trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: Ngọc Hân