Quan tâm đến dấu hiệu của bệnh tâm thần

04:07, 12/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 4 tới nay, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Với những người có vấn đề về thần kinh, rối loạn tâm thần, nắng nóng là một yếu tố tác động mạnh dẫn đến phát sinh bệnh.

Người yếu sức, căng thẳng dễ phát bệnh

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, trong mùa hè, thời tiết nắng nóng, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng vọt. Hàng ngày số bệnh nhân đến khám khoảng trên 200 người, có hôm lên đến 300 người, trong khi vào những mùa khác thường chỉ có 100- 150 người. Trong khi đó, bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ phòng khám và 2 bác sĩ tăng cường. Với số bác sĩ như vậy thì chỉ có thể khám khoảng từ 100- 150 người/ngày. Nhưng do số người đến khám tăng vọt nên bệnh viện đã huy động tất cả lực lượng bác sĩ, kể cả lãnh đạo tham gia thăm khám.

 

Bệnh nhân cần sớm đến khám tại các bệnh viện  tâm thần khi phát hiện những triệu chứng bất thường.
Bệnh nhân cần sớm đến khám tại các bệnh viện tâm thần khi phát hiện những triệu chứng bất thường.


Về nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần gia tăng, ông Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết, những thay đổi về môi trường, khí hậu, tâm lý, tác động của kinh tế thị trường đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Trong đó, nắng nóng là một yếu tố có tác động rất rõ rệt. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp tác động đến bệnh rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, thời tiết nóng làm thay đổi về mặt sinh hóa trong não, gây mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng não. Tình trạng trên dễ gặp nhất ở những người quá nhạy cảm, thần kinh yếu, căng thẳng, người có chấn thương hoặc các bệnh ở não, người đang có stress...

Trường hợp anh Q. (Sơn Tịnh) bị loạn thần cách đây 4 năm. Nhờ được chữa trị nên sau 1 tháng anh đã hồi phục và xuất viện. Sau khi xuất viện, anh Q. cùng vợ đi làm ăn xa. Do tính chất công việc phải đi lại ngoài đường nhiều, thời tiết nắng nóng lại thường xuyên uống rượu, bia nên khoảng hơn 2 tháng nay anh ít ăn, khó ngủ và nói lung tung. Anh hay ra khỏi nhà lúc 1- 2 giờ sáng để đi lên rừng. Thấy vậy, chị H.- vợ anh Q. đã khuyên nhủ chồng đi khám nhưng anh không đồng ý. Chị H. đành nhờ Công an xã đến giúp nhưng cũng không được. Sau đó, anh em trong gia đình đã đến nhà và bắt anh Q. phải đi khám rồi nhập viện. “Sau hơn 1 tuần nhập viện, đến nay anh Q. đã bắt đầu ăn uống trở lại. Thấy vậy tôi rất mừng”, chị H. chia sẻ.

Hiệu quả khi điều trị sớm

Ông Vũ cho biết, trong những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân so với trước. Sở dĩ số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng vọt cũng là nhờ vào chất lượng của bệnh viện được khẳng định và đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Điều quan trọng đó là người dân không còn e ngại trong việc đến khám ở bệnh viện tâm thần như trước. Nhờ được đến khám và điều trị kịp thời nên nhiều bệnh nhân hồi phục sau một thời gian ngắn điều trị.

Như trường hợp của anh T. (Bình Sơn), đang học tại một trường ĐH trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. Vì nhà ở xa trường nên T. phải ở trọ. Vừa về nhà nghỉ hè được 1 ngày thì chị V (chị gái T.) thấy em trai không ngủ vì đau đầu. Chị V. liền đi mua thuốc nhưng T. không uống. Thấy vậy, chị V. nghi ngờ nên điện thoại hỏi bạn bè cùng phòng với T. thì được biết thời gian gần đây T. ít nói chuyện và ít để ý xung quanh. Nghe vậy, chị V. liền đưa em đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi. Sau khi nghe hướng dẫn của bệnh viện, chị V. và gia đình đã khuyên T. nhập viện. “Sau 11 ngày điều trị, T. đã có những chuyển biến rõ rệt. Em không còn đau đầu và đã ăn ngủ bình thường. Nhờ được phát hiện và đưa vào viện điều trị sớm nên T. mới nhanh khỏi như vậy”, chị V. kể.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cũng cho biết, với những người đã phát bệnh phải luôn duy trì thuốc đều đặn, nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, khó ngủ phải xin tư vấn của bác sĩ để có phương pháp điều trị khác. Còn với những người chưa phát bệnh nhưng có biểu hiện đau đầu, mất ngủ, khó tập trung, lo lắng, mất tự tin trong cuộc sống cũng như công việc, học tập... nên đi khám và điều trị.

Nếu để quá lâu sẽ gây suy nhược làm cho bệnh trầm trọng hơn, khả năng phục hồi giảm. Bác sĩ Vũ cũng khuyến cáo, trong gia đình nên tạo sự hòa hợp, không gây bức xúc cho người bệnh, hạn chế các sang chấn. Cố gắng tạo điều kiện cho bệnh nhân nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên hạn chế ra ngoài trời khi quá nóng... Nên ăn đồ mát, đủ dinh dưỡng để giữ sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng. Tránh bia rượu, chất kích thích và các tình huống có thể gây stress.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.