Cần phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

01:07, 25/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình hình bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) diễn biến phức tạp trên toàn quốc, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Tiến sĩ Viên Quang Mai- Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm trưởng đoàn đã về kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm não vi rút và tiêm phòng vắc xin năm 2014 tại Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Tăng đột biến

Những ngày qua, tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số lượng trẻ đến tiêm vắc xin phòng các bệnh như:  Sởi, quai bị, Rubella, VNNB... rất đông. Chị Nguyễn Thị Hòa- cán bộ phụ trách tiêm chủng tại trung tâm cho biết: Mỗi ngày có khoảng 50 - 70 trẻ được đưa đến trung tâm tiêm vắc xin VNNB, so với cùng kỳ năm 2013 tăng gấp 4-5 lần. Đa số là trường hợp trẻ tiêm các mũi nhắc, nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ 5- 6 tuổi vẫn chưa được tiêm mũi nào. “Chúng tôi cố gắng tiêm chủng kịp thời, an toàn cho các bé. Việc quá tải là do có không ít phụ huynh chưa quan tâm tiêm chủng cho con em, đến khi nghe dịch bệnh thì mới đổ xô đưa trẻ đi tiêm”, chị Hoà nói.

 

Quá tải việc tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB.                                                                            Ảnh: Q.VƯƠNG
Quá tải việc tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB. Ảnh: Q.VƯƠNG


Chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi đưa con đi tiêm, lo lắng: “Lẽ ra cháu phải tiêm 1 tháng trước khi đúng 1 tuổi, nhưng do bị sốt. Đợi đến kỳ tiêm chủng thì sợ trễ nên đưa cháu đi tiêm dịch vụ trước cho an tâm”. Cùng chung tâm trạng đó có mẹ cháu Nguyễn Xuân Hoài ở phường Trần Hưng Đạo. Cháu Hoài dù đã 9 tuổi, nhưng đến nay mới tiêm vắc xin  VNNB mũi 1. Mẹ cháu Hoài nói: “Lâu nay tôi  không biết bệnh này nguy hiểm. Nay nhận tin khuyến cáo tình hình bệnh, thấy sợ quá nên vội  đưa con đi tiêm”.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 23.200 trường hợp trẻ có độ tuổi từ 12 – 36 tháng cần tiêm vắc xin VNNB thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để đáp ứng chiến dịch tăng cường tiêm chủng vắc xin  VNNB trong năm 2014, Trung tâm đã nhập về tổng cộng 40 nghìn liều vắc xin  VNNB đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng cho trẻ. “Vắc xin  VNNB có tại trung tâm quanh năm và luôn bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân. Bất cứ khi nào có điều kiện, phụ huynh nên đưa con đi tiêm ngừa, phòng bệnh kịp thời cho trẻ”, bác sĩ Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nói.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 38 trường hợp mắc viêm não vi rút, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2013 là một trong 3 tỉnh, thành phố có số mắc cao nhất nước (TP.HCM: 44, Hà Nội: 37), trong đó có 4 trường hợp bị viêm não Nhật Bản (VNNB). Tiến sĩ Viên Quang Mai cho biết: “Đây là bệnh do virus gây nên, được truyền qua người do muỗi đốt. Bệnh rất nguy hiểm, sau khi mắc bệnh có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, gần như ngơ ngác không biết gì, hoặc là liệt, thậm chí tử vong”.

Bệnh VNNB hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh. Trẻ được tiêm mũi thứ nhất khi được 12 tháng tuổi, tiêm mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1-2 tuần và mũi thứ 3 cách mũi 2 sau 1 năm, và sau đó cứ 3-5 năm thì tiêm nhắc lại 1 mũi. Trẻ được tiêm đủ 3 mũi  (khi trẻ hơn 2 tuổi) sẽ có tác dụng bảo vệ trẻ không mắc bệnh 3-5 năm. Như vậy, khi trẻ trên 5 tuổi cần được tiêm nhắc lại. Nếu không được tiêm nhắc lại thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ rất cao bởi vì sau tiêm mũi 3 chỉ có thể bảo vệ trẻ 3-5 năm.

Trong 4 trường hợp bị VNNB tại Quảng Ngãi thì có 3 trẻ đã được tiêm chủng khi trẻ còn nhỏ. Về lý do tại sao 3 trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB mà vẫn bị mắc bệnh, tiến sĩ Viên Quang Mai cho biết: “Ở Quảng Ngãi, chúng tôi kiểm tra 4 cháu bị dương tính với viêm não Nhật Bản thì 3 trường hợp đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn bị bệnh vì có 2 cháu 7 tuổi trở lên cho nên trong lứa tuổi này các cháu không được tiêm vắc xin  nhắc lại nên miễn dịch bị giảm, do đó bị bệnh; riêng cháu 2 tuổi thì do tiêm 1 mũi vì vậy không có tác dụng phòng bệnh”.

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt tiêm nhắc lại cho trẻ khi trẻ trên 5 tuổi, ngủ mùng, không để muỗi đốt, vệ sinh ngoại cảnh, tiêu diệt muỗi là những biện pháp có thể ngăn ngừa khỏi bị bệnh VNNB.


 K.Ngân- Q.Vương

 


.