Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh: Nêu cao tinh thần y đức

07:07, 13/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Y học cổ truyền đi vào hoạt động đến nay đã gần nửa tháng. Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn nêu cao tinh thần y đức, tận tụy chăm sóc bệnh nhân.  

TIN LIÊN QUAN

Bệnh nhân hài lòng

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã sử dụng gần hết công suất 50 giường bệnh. Số đông bệnh nhân điều trị tại bệnh viện mắc các chứng bệnh về xương, khớp, tai biến, bệnh thần kinh… Chị Nguyễn Thị Lan Anh (51 tuổi, ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp), tâm sự: “Lúc mới nhập viện, tôi đau nhức khắp người, các khớp xương sưng tấy. Qua thời gian ngắn điều trị bằng thuốc dược liệu kết hợp với châm cứu, sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh". Chị Anh cho hay, bác sĩ bảo còn 1 tuần nữa là chị có thể xuất viện. "Tôi rất hài lòng khi điều trị tại bệnh viện y học cổ truyền. Y, bác sĩ vui vẻ, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo", chị Anh phấn khởi nói.

 

Bệnh nhân được châm cứu bằng điện máy tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Bệnh nhân được châm cứu bằng điện máy tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.


Còn đối với bệnh nhân Bùi Anh Bằng (điều trị tại Khoa phục hồi chức năng) thì vui mừng vì sau 10 ngày điều trị, anh đã có thể chống nạng đi lại được. Trước đó, do bị viêm đa dây thần kinh, anh Bằng không đi lại được. Vào bệnh viện, anh Bằng được bác sĩ tận tình chữa trị bằng phương pháp đông-tây y kết hợp, châm cứu bằng máy điện châm, dùng thuốc đông y và phục hồi chức năng. Nhờ đó sức khỏe của anh Bằng khá lên trông thấy.

Bác sĩ chuyên khoa đông y Vũ Ngọc Thống cho biết, hầu hết bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sức khỏe hồi phục nhanh. Bệnh viện khám, điều trị bệnh bằng cả y học cổ truyền và y học hiện đại tùy từng căn bệnh với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Đặc biệt, các biện pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hồi phục chức năng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Từng ngày nỗ lực...

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh giai đoạn 1 được cải tạo, nâng cấp từ cơ sở của Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh trước đây). Bệnh viện có 9 khoa, phòng gồm: Phục hồi chức năng, khám bệnh, hồi sức, nội nhi, ngoại phụ, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kiểm soát nhiễm khuẩn…

Bác sĩ Lê Quang Quỳnh-Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Để từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả điều trị, bệnh viện đang đề nghị tỉnh đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng để trang bị thêm các thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh. Trước mắt, bệnh viện trích kinh phí 500 triệu đồng để mua sắm các dụng cụ, thiết bị văn phòng cần thiết. “Về lâu dài, chúng tôi mong UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm đầu tư hoàn thiện trang thiết bị, bồi dưỡng về nhân lực; triển khai kế hoạch dự án bệnh viện giai đoạn 2 vào năm 2015 với quy mô 200 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bác sĩ Quỳnh kiến nghị.

Theo các bác sĩ đông y, tỉnh ta có nhiều dược liệu quý, nhất là ở các địa bàn miền núi. Trong nhân dân hiện có nhiều bài thuốc gia truyền chữa khỏi nhiều căn bệnh. Chính vì vậy, thời gian đến, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả điều trị các loại bệnh ngoại khoa, phụ khoa, bệnh trĩ, tim mạch, rối loạn chức năng… Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tích cực phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu tiến hành khảo sát, phân loại, nghiên cứu các loại dược liệu quý trên địa bàn tỉnh để ứng dụng vào điều trị cho người bệnh; đồng thời phối hợp với các hội đông y trong tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề để khai thác, thừa kế, ứng dụng các thành tựu đạt được của y học cổ truyền nhằm chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.