25 năm làm nghĩa vụ cao quý

11:06, 24/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt chặng đường 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tăng cường thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Khó khăn không chùn bước...  

Ông Lê Văn Huy-Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay, ngày đầu tái lập tỉnh ngành y tế chồng chất khó khăn. Thiếu bác sĩ, thiếu thuốc, thiếu cơ sở vật chất, nhất là tuyến y tế cơ sở. Thế nhưng thật đáng quý bởi có nhiều bác sĩ vẫn quyết tâm bám lấy nghề, quyết tâm thực hiện nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc. Có nhiều bác sĩ mới ra trường xung phong lên vùng cao chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, đội ngũ cán bộ y tế ở tỉnh ta không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Nếu như năm 1989 số lượng bác sĩ trên vạn dân chỉ xấp xỉ 1,81, đến nay đã tăng lên 5,03 bác sĩ/vạn dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật hiện đại trong khám-chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật hiện đại trong khám-chữa bệnh.


Ngày ấy, trạm y tế do dân lập, hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn lực. Nay thì tuyến y tế cơ sở có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có hơn 90% trạm y tế có bác sĩ với tổng số 164 bác sĩ; trên 90% trạm y tế được xây dựng khang trang. Mạng lưới phòng chống dịch bệnh được tăng cường. Chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Nhận thức của người dân đối với công tác tiêm văcxin phòng bệnh được nâng cao. Đến nay, trên 90% trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Cùng với việc gia tăng về số lượng, quy mô cơ sở khám-chữa bệnh, trang thiết bị của hệ thống cơ sở y tế ở tỉnh ta ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được nâng lên. Trong 25 năm qua, tỉnh ta đầu tư xây dựng và nâng cấp 3 bệnh viện tuyến tỉnh; 9 phòng khám đa khoa khu vực; thành lập 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 7 trung tâm y tế ở miền núi, hải đảo… Số giường bệnh tăng lên 15 giường/vạn dân, tăng 1,5 lần so với năm 1990. Khi mới tái lập tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ là Bệnh viện Đa khoa khu vực hạng III, nay đã nâng lên hạng II; bệnh viện tuyến huyện chỉ hạng IV hoặc tương đương phòng khám khu vực, nay hầu hết đã nâng lên hạng III.

Ông Nguyễn Tấn Đức-Giám đốc Sở Y tế phấn khởi cho biết, chất lượng khám-chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiều phương pháp điều trị kỹ thuật cao. Hệ thống Xquang kỹ thuật số; MRI; CT Scan 64 lát cắt… được ứng dụng tốt trong công tác điều trị bệnh. “Để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, bên cạnh đầu tư về nhân lực, ngành y tế đã tăng cường mua sắm  trang thiết bị hiện đại. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao”, ông Đức nói.

Bên cạnh kết quả tích cực trong hoạt động khám-chữa bệnh, công tác y tế ở tỉnh ta còn một số hạn chế. Đơn cử như việc ứng dụng, triển khai kỹ thuật theo phân tuyến, kỹ thuật mới ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và huyện còn hạn chế. Ở một số bệnh viện vẫn còn tình trạng quá tải. Đội ngũ y-bác sĩ ở một số cơ sở y tế thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn. Thái độ phục vụ của một bộ phận nhỏ cán bộ y tế chưa tốt.

Thời gian đến, ngành y tế tăng cường áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện đại vào công tác khám-chữa bệnh. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, phấn đấu giảm số người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Ngành sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cải thiện môi trường làm việc, nâng cao tinh thần y đức; thực hiện tốt chính sách thu hút bác sĩ về tỉnh công tác. Đặc biệt, ngành y tế sẽ đẩy mạnh chương trình đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 5,5 bác sĩ/vạn dân và đến 2020 đạt 10 bác sĩ/vạn dân.            

Bài, ảnh: KN
 


.