Măng tre là nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Trong măng tre có chứa rất ít lipid, đường, chất béo nhưng lại chứa nhiều chất xơ, vitamin A, B1, B2, C... mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của chúng ta.
Ảnh: flickr.com |
Dưới đây là những lợi ích từ măng tre:
• Giảm cholesterol xấu
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nutrition (Mỹ) cho thấy, những phụ nữ ăn măng tre thường xuyên trong sáu ngày có chỉ số cholesterol giảm trung bình khoảng 16,1 mg / dl so với những người không ăn chúng. Đây là một nguồn tin tốt lành cho những ai muốn giảm cholesterol theo phương pháp tự nhiên mà không lo các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
• Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Cũng theo nguồn tin được công bố trên tạp chí Nutrition (Mỹ), ăn măng tre thường xuyên còn có thể kích thích đường ruột tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, vì măng tre chứa dồi dào chất xơ, từ đó ngừa bệnh táo bón rất hiệu quả.
• Giảm cân
Măng tre chứa ít calo và phần lớn là chất xơ nên với các bạn gái muốn giảm cân thì có thể đưa măng tre vào thực đơn ăn uống của mình, vừa đảm bảo năng lượng hoạt động cho cả ngày, lại giảm cân hiệu quả.
• Kiểm soát đường huyết
Măng tre là nguồn thực phẩm chứa dồi dào kali - một loại khoáng chất đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm huyết áp rất tốt. Một chén măng tre sẽ cung cấp cho bạn 1/5 lượng kali cần thiết hàng ngày.
• Tốt cho tim mạch
Măng tre là nguồn cung cấp dồi dào axít phenolic và chất chống ôxy hóa nên có khả năng chống viêm cho cơ thể rất tốt. Đặc tính chống viêm của măng tre đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tim.
Bên cạnh đó, măng tre cũng chứa rất nhiều vitamin B6 giúp cho làn da khỏe mạnh. Nếu thiếu vitamin B6, bạn có thể bị thiếu máu, viêm da và nứt da ở khóe miệng...
Có thể chế biếnmăng thành nhiều món ăn ngon như thịt kho măng, vịt nấu măng, giò heo nấu măng...
Ảnh: flickr.com |
Chú ý:
Măng tươi thường có chất Glycocid có khả năng biến thành axit Cyanhydric gây độc. Ăn quá nhiều măng có thể bị nhức đầu, chóng mặt... Do đó, lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe là mỗi lần ăn không quá 100 g măng tươi.
Để khử độc, cần thái măng thành lát mỏng với măng khô thì xé từng sợi nhỏ ngâm trong nước sạch qua đêm trước khi chế biến. Ngâm măng vào nước vôi trong, luộc bỏ nước vài lần để lọc chất đắng.
Lưu ý: khi luộc măng nên để vun nồi hở nắp.
Măng khô, măng muối chua ít độc hơn vì quá trình luộc, phơi nắng hay muối chua vớt bỏ nước nhiều lần, nhưng vẫn cần phải luộc lại rồi mới chế biến để dùng.
Theo ĐÌNH HUỆ/PNO