Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một phát biểu trước Quốc hội đã đưa ra những con số cảnh báo cụ thể về chiều cao trung bình của người Việt Nam và nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam: “Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận là chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện tại mới đạt 1,63m- so với Hàn Quốc 1,73m, Trung Quốc 1,72m, Singapore, Thái Lan hay Malaysia đều đạt trên 1,7m.”.
Đó là chiều cao trung bình. Còn đây là con số về suy dinh dưỡng trẻ em: “Nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới thì cũng lại đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Cụ thể, chúng ta đang có 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng mãn tính trong đó có 1/10 suy dinh dưỡng cấp tính. Con số thống kê cho thấy trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng có.”
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, ai cũng biết, sữa không chỉ là thức uống bổ khỏe, mà còn là tác nhân quan trọng giúp phát triển chiều cao trung bình của cả dân tộc, đồng thời giúp giảm thiểu nạn suy dinh dưỡng trẻ em ở cả quốc gia. Với những đất nước phát triển, mỗi người dân từ khi lọt lòng đã uống sữa hàng ngày một cách bình thường, như một thói quen trong ăn uống. Bởi giá sữa ở nước họ rất rẻ, và bởi họ hiểu giá trị và tác dụng của sữa, nhất là sữa tươi.
Tôi để ý, nhiều đứa trẻ ở châu Âu khi dưới một năm tuổi hầu hết có chiều cao và cân nặng bình thường, không vượt trội so với trẻ con Việt Nam. Nhưng khi chúng đã ở tầm từ 10 tuổi trở lên, thì chúng lớn vượt trội so với trẻ em Việt. Sữa chính là tác nhân quan trọng giúp tạo nên sự khác biệt ấy. Từ hơn 10 năm nay, nhiều gia đình Việt Nam đã biết đến tác dụng kỳ diệu của sữa đối với con em mình. Họ dành một phần tiền trong tổng thu nhập để mua sữa cho con, cho cháu uống hàng ngày. Và tác dụng là thấy rõ.
Dĩ nhiên, khi người dân cảm nhận được tác dụng tích cực của sữa, thì những hãng sản xuất sữa, nhưng hãng nhập khẩu sữa còn thấy trước và thấy xa hơn nhiều. Và họ bắt đầu tăng quảng cáo sản phẩm sữa, đồng thời tăng giá sữa tùy theo tốc độ bán được sản phẩm. Biết bao gia đình Việt Nam đã cắn răng theo giá sữa tăng này, chỉ vì sức khỏe, chiều cao và cân nặng của con em mình.
Người dùng sữa càng nhiều, khách hàng mua sữa càng đông, thì giá sữa càng tăng theo một kiểu “tỉ lệ thuận” khó hiểu. Lẽ ra, càng nhiều người mua một sản phẩm nào, thì giá sản phẩm ấy càng hạ, và chất lượng càng cao, vì mục tiêu lợi nhuận luôn đi đôi với mục tiêu bảo vệ thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm. Nhưng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, tình trạng giá sữa tăng trở thành bình thường. Và các Bộ chủ quản thì luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Bây giờ thì Bộ Tài chính đã thực hiện việc áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc áp giá trần ấy thành công tới đâu, thì phải chờ thêm mấy ngày nữa, khi thời điểm áp giá có hiệu lực, mới biết. Nhưng ngay từ trước đó, nhiều hãng sữa đã lập tức lách luật, áp dụng nhiều chiêu thức phi thị trường để “bù” vào “15% kéo giá” mà Bộ tài chính qui định.
Nếu chuyện này tiếp tục xảy ra mà không có những biện pháp chế tài hữu hiệu, thì giá sữa vẫn cứ tăng, bất chấp quy định áp giá trần của Bộ Tài chính. Ai cũng biết, các “nhóm lợi ích” đã chi phối vào giá sữa ở Việt Nam như thế nào. Và đây là cả một hệ thống, thậm chí là hệ thống xuyên quốc gia. Đó thực sự là điều đau lòng cho con em của chúng ta.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã cảnh báo đúng về chiều cao trung bình của người Việt Nam cũng như nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Nhưng trong khi thu nhập trung bình của người dân Việt Nam còn rất thấp, mà giá sữa ở Việt Nam lại cao ngất trời như vậy, thì chuyện cải thiện nòi giống là không thể.