Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa: Nỗ lực hỗ trợ bệnh nhân chạy thận

05:03, 29/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa, bệnh viện tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, nhằm chia sẻ bệnh nhân điều trị, giảm áp lực cho Khoa thận nhân tạo- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 5 tháng đi vào hoạt động, BVĐK Tư Nghĩa đã hỗ trợ chạy thận cho 12 bệnh nhân suy thận mãn trên địa bàn, góp phần chia sẻ  khó khăn cho những bệnh nhân này.

Xuất phát từ nhu cầu chạy thận của bệnh nhân trong tỉnh quá đông, phải bôn ba khắp nơi để chạy thận. Từ nhiều năm trước, người dân trong huyện đến khám, được phát hiện suy thận nhưng bác sĩ đành cho chuyển viện. Được sự tài trợ từ Dự án hỗ trợ y tế duyên hải Nam Trung Bộ, Bệnh viện được trang bị hệ thống 3 máy thận nhân tạo, hệ thống RO, tủ lạnh trữ máu, máy đo độ đông máu, máy phân tích sinh hóa tự động… Có được điều ấy, bác sĩ bệnh viện Tư Nghĩa đã bắt tay ngay việc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại bệnh viện để điều trị cho người dân trong huyện và các địa phương lân cận.

 

Chạy thận cho bệnh nhân suy thận mãn tại BVĐK Tư Nghĩa.
Chạy thận cho bệnh nhân suy thận mãn tại BVĐK Tư Nghĩa.


Bác sĩ Phan Minh Đan- Giám đốc BVĐK Tư Nghĩa cho biết: Để Sở Y tế và BVĐK Quảng Ngãi cho phép bệnh viện hạng 3 tiến hành chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân, bệnh viện phải qua một quá trình chuẩn bị rất kỹ. Trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo; cử bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi học nghiệp vụ chuyên môn và chuẩn bị các kỹ thuật liên quan… Đến nay bệnh viện đang chạy thận xuyên suốt cho 12 bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân không phải đi TP.Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam… để chạy thận, vì BVĐK Quảng Ngãi đã quá tải.

Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Thủy ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) cùng vợ bôn ba chạy thận khắp nơi, từ Bệnh viện Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, rồi Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh. Nhưng giờ thì ông không còn phải lo lắng, vì đã đưa vợ về quê và đăng ký chạy thận tại BVĐK Tư Nghĩa. Ông Thủy ứa nước mắt kể lại: “Trước đây, mỗi lần đi chạy thận, vợ chồng tôi phải thuê nhà trọ ở, vừa tốn kém lại vừa mất công. Giờ có thể chạy thận ở gần nhà, gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí lớn và không tốn thêm người đi theo chăm sóc như trước”.

Còn ông Hồ Thanh Thu (51 tuổi) ở phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi), sau khi phát hiện mình mắc bệnh thận rồi chuyển sang suy thận mãn, ông đăng ký chạy thận tại BVĐK Quảng Ngãi, nhưng không được vì bệnh viện đã quá tải, nên ông phải ra Quảng Nam để chạy thận. Ông cho biết: “Lúc đầu có người nhà đi cùng. Sau một thời gian, sức khỏe ổn định nên cứ 2 ngày tôi chạy xe máy ra Quảng Nam một lần để chạy thận. Khi nghe ở Tư Nghĩa có máy chạy thận, tôi liền vào đăng ký. Giờ chạy thận tại BVĐK Tư Nghĩa nên tôi cũng đỡ nhiều, không còn tốn công sức như trước nữa”.

Chạy thận nhân tạo là kỹ thuật chỉ được áp dụng ở bệnh viện hạng 2 trở lên. Dù vậy, tuy là bệnh viện hạng ba, nguồn nhân lực thiếu nhưng các bác sĩ BVĐK Tư Nghĩa vẫn quyết tâm triển khai kỹ thuật này để tạo điều kiện cho bệnh nhân bị suy thận mãn được chạy thận tại quê nhà và tiết kiệm được chi phí. Bác sĩ Lê Quang Hận, Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa, cho biết: “Vì BVĐK Tư Nghĩa thiếu hụt một lượng lớn bác sĩ nên các bác sĩ ở đây phải đảm nhận một lúc nhiều công việc, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng học thêm kỹ thuật chạy thận nhân tạo, để có thể điều trị tốt cho bệnh nhân”.

Được biết với 3 máy thì có thể chạy thận cho 9 bệnh nhân/ngày, nhưng BVĐK Tư Nghĩa không có đủ bác sĩ nên chỉ chạy được 2 ca cho 6 bệnh nhân/ngày. “Nếu có thêm 2 bác sĩ nữa thì chúng tôi có thể chạy thận cho 9 bệnh nhân/ngày, phần nào giúp bệnh nhân suy thận mãn được tiếp cận với việc chạy thân tại quê nhà, hạn chế được chi phí và công sức cho họ”, bác sĩ Đan, nói.


Phần lớn bệnh nhân điều trị ở đây đều là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc BVĐK Tư Nghĩa đưa máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động là tin vui cho nhiều bệnh nhân suy thận mãn, bởi đối với những bệnh nhân này thì cuộc đời họ phải gắn liền với chiếc máy chạy thận.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.