Đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Tổ chức Y tế thế giới WHO, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới FAO cũng lo ngại về mức độ nguy hiểm của việc lây lan từ cúm gia cầm sang người và từ người sang người.
Ảnh minh họa |
Dịch cúm trên gia cầm đã xảy ra ở 17 tỉnh, thành trên cả nước. Đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Tổ chức Y tế thế giới WHO, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới FAO cũng lo ngại về mức độ nguy hiểm của việc lây lan từ cúm gia cầm sang người và từ người sang người. Nhất là khi tại Trung Quốc đang xuất hiện chủng cúm mới H10N8 và những biến thể.
Từ năm 1997, các chủng virus cúm gia cầm khác nhau đã được phát hiện ở người như H5N1, H7N3, H7N7, H9N2. Trong đó, chủng cúm H5N1 là nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong ở người lên tới 50%. Chưa có bằng chứng virus cúm A/H5N1 lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, đại diện Tổ chức Y tế thế giới lo ngại về việc đối phó với tình hình dịch thời gian tới. Số ca cúm H7N9 tại Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng.
TS Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Chủng cúm H7N9 được phát hiện tại Trung Quốc từ tháng 3 năm ngoái. Các tỉnh có báo cáo về dịch cúm đã lan tới tỉnh Quảng Tây, là biên giới với Việt Nam. Chúng tôi nhận định, nguy cơ Việt Nam có thể có dịch cúm H7N9 là có thể xảy ra. Tức là nếu thời gian tới có trường hợp H7N9 phát hiện trên người thì cũng không có gì là ngạc nhiên cả. Chúng ta phải sẵn sàng phương án đối phó. Kinh ngiệm tại Trung Quốc cho thấy, họ đang có cơ chế thông tin khá cởi mở. Khi phát hiện trường hợp bệnh họ đưa thông tin ngay xuống các khu dân cư. Đây là dịch cúm lây từ gia cầm sang người, nên cơ chế phối hợp giữa ngành y tế và thú y là rất quan trọng”.
Từ đầu năm ngoái, Trung Quốc đã xuất hiện 3 chủng virus cúm mới trên người: đầu tiên là H6N1, sau đó là H7N9 và mới đây H10N8. Trước đó, Đài Loan phát hiện chủng virus cúm H6N1 trên một bệnh nhân nữ. Các chuyên gia nhận định: tần suất xuất hiện của các chủng cúm mới ngày càng nhanh. Nguyên nhân là do virus cúm gà là có khả năng biến đổi rất nhanh vì thế liên tục xuất hiện các loại, các chủng cúm mới.
TS. Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: “Với sự phát triển của năng lực mỗi quốc gia ngày càng được nâng cao thì việc giám sát, chuẩn đoán đã phát hiện ra nhiều chủng loại cúm mới. Theo chúng tôi thì dù hiện đã có rất nhiều biến thể chủng cúm mới ở gia cầm, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại lớn đối với con người. Ví dụ như với các chủng cúm H7N9, H5N1, nguyên nhân vẫn là do nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với gia cầm đặc biệt là gia cầm bị ốm, hoặc bị chết. Chúng tôi chưa biết chính xác là gia cầm loại nào, nhưng nhiều khả năng đó là vịt, gà, chim. Chúng tôi đưa ra các khuyến nghị với người dân là nên cách ly các chợ gia cầm sống. Nếu có tiếp xúc, thì phải làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, như rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm. Nếu như chúng ta chế biến gia cầm thì phải nấu chín kỹ. Trong trường hợp có những biểu hiện của cúm thì phải đến các cơ sở y tế ngay, để có lời khuyên và được điều trị kịp thời”.
Ca nhiễm virus H10N8 thứ 2 ở Trung Quốc được phát hiện hồi tháng 1 năm nay là điều đáng quan ngại. Theo các nhà khoa học, không nên đánh giá thấp khả năng gây đại dịch của chủng virus cúm mới này. Việt Nam cũng không nằm ngoài những nguy cơ ấy. Đây là chủng cúm mới thứ 5 xuất hiện trong vòng 17 năm qua, có khả năng nhiễm vào mô nằm sâu trong phổi, cho phép lây mạnh từ người sang người.
Theo VTV