Thêm 4 ca tử vong vì biến chứng bệnh sởi

02:02, 13/02/2014
.

Số bệnh nhân nhập viện vì phát ban dạng sởi tiếp tục tăng lên. Đến nay tại BV Nhi TƯ đã có hơn 160 trường hợp nhập viện, trong đó, nhiều trẻ có biến chứng viêm phổi suy hô hấp phải thở máy và thêm 4 trẻ đã tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vo do biến chứng sởi tại viện lên 5 trẻ.


Theo Bệnh viện Nhi trung ương, trong tổng số 160 trường hợp phát ban dạng sởi đến viện từ đầu năm đến nay đã có 20 ca biến chứng viêm phổi suy hô hấp phải thở máy và có 5 trường hợp tử vong do biến chứng của sởi. Các ca tử vong do biến chứng của sởi hầu hết là trẻ có thể trạng yếu: sinh non, suy dinh dưỡng. Như vậy, đến nay trên toàn quốc đã có 7 ca tử vong do sởi.

 Với nhóm trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, sởi có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa: H.Hải
Với nhóm trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, sởi có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa: H.Hải


Theo BS Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ),  tuy sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan, bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Với những đối tượng này khi gặp biến chứng như viêm phổi sau sởi sẽ rất nguy hiểm.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, vi rút sởi gây bệnh sởi làm suy giảm miễn dịch khiến người bệnh có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy. Những biến chứng này sẽ càng nguy hiểm ở nhóm trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thể trạng yếu.

Trong khi đó, theo thống kê của viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trong đợt dịch này có đến trên 70% trẻ phát ban dạng sởi được xác định là sởi. Vì thế, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi và theo dõi, đưa con đi khám bệnh.

Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch sởi gia tăng chủ yếu do việc tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc - xin chưa được bao phủ tất cả trẻ em. Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm, nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, bao gồm cả vắc - xin sởi. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ. Vắc - xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.
 

Theo Hồng Hải/Dân Trí

 


.