Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Để phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch phù hợp với đặc điểm của địa phương; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin sởi để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung.
Việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc được tổ chức vào một ngày riêng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch ở các tuyến, cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sởi tại địa phương.
Theo GS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bệnh sởi có đặc tính dịch tễ học là dịch bùng phát lại theo chu kỳ, thông thường cứ 3-5 năm lại xảy ra một đợt dịch. Thời gian cuối năm 2013 và đầu năm 2014 , ở một số tỉnh ở nước ta có sự quay trở lại của dịch sởi, đây là thời điểm dịch bệnh này bước vào thời kỳ bùng phát dịch theo chu kỳ.
Trước đó, theo giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, năm 2006 tại Việt Nam có một đợt dịch sởi tương đối lớn, với khoảng gần 2.000 trẻ mắc. Tiếp đó, năm 2009, dịch bệnh này xảy ra với quy mô lớn hơn với khoảng 7.500 người mắc. Thời gian gần đây, dịch bệnh sởi đang bùng phát trở lại lẻ tẻ, tản mát ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Hà Nội với khoảng 203 ca mắc bệnh.
Điều này cũng chứng minh thực tế tất cả trẻ em chưa được tiêm đầy đủ vắcxin vì những trẻ nào chưa được tiêm chắc chắn sẽ mắc bệnh sởi. GS Nguyễn Trần Hiển cho biết.
Trên thực tế, khi dịch sởi xảy ra, tất cả mọi người (không phân biệt lứa tuổi) nếu chưa có kháng thể với sởi thì đều có nguy cơ mắc bệnh này. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây và thành dịch khi có nhiều người chưa có miễn dịch và có cảm thụ cao với bệnh. Điều nguy hiểm của bệnh sởi là nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến các biến chứng nặng, gây suy giảm miễn dịch, nặng có thể gây tử vong.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, bệnh sởi xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, tuy nhiên ở những trẻ lớn hơn vẫn có nguy cơ mắc bệnh này nếu chưa có miễn dịch.
Đối với trường hợp dưới 9 tháng tuổi, cơ thể trẻ có kháng thể của người mẹ truyền sang, giúp bảo vệ trẻ không mắc bệnh sởi. Do đó, trẻ từ 9 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu cần tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, thời gian gần đây có trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn mắc bệnh sởi. Theo GS Nguyễn Trần Hiển, nguyên nhân có thế do bản thân người mẹ chưa mắc bệnh sởi bao giờ vì vậy không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ. Do đó, trẻ dễ bị mắc bệnh sởi.
Thứ hai có thể do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó, nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ con không mắc bệnh sởi. Ngoài ra có thể vì một lý do nào đó hệ thông miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau vài tháng sau sinh.
Do vậy, những bà mẹ có con nhỏ mà chưa đến tuổi tiêm vắcxin sởi khi thấy trẻ có những biểu hiện như sốt phát ban, viêm đường hô hấp, khó thở và một số biểu hiện khác như viêm tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc thì nên đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc và điều trị kịp thời.
Đối với những người chưa được tiêm vắcxin sởi, chưa bị mắc bệnh sởi bao giờ thì nên tiêm vắcxin sởi để có miễn dịch chủ động cho bản thân mình. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ theo quy định (lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi) nhằm phòng dịch sởi bùng phát trong cộng đồng.
Thúy Hà