Quảng Ngãi: Báo động tình trạng trẻ mắc hội chứng tự kỷ

05:08, 03/08/2013
.

(QNĐT)- Tình trạng trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở Quảng Ngãi ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khi đó, công tác chăm sóc và dạy cho trẻ tự kỷ ở địa phương còn bị thiếu sót và chưa được quan tâm đúng mức.

Trẻ tự kỷ được phát hiện quá muộn

Có mặt tại buổi tập trung sinh hoạt của các phụ huynh và trẻ tự kỷ tại TP. Quảng Ngãi, chúng tôi mới thấu hết nỗi lòng của người trong cuộc. Buổi tập trung có sự tham gia của 7 gia đình. Các bé có cơ hội tham gia các trò chơi cùng nhau, còn phụ huynh thì vừa trông chừng con vừa thảo luận kinh nghiệm nuôi dạy những đứa trẻ đặc biệt này.

Chị Nguyễn Thúy Khanh, ngụ ở đường Lê Lợi, TP. Quảng Ngãi có cháu N. mắc chứng tự kỷ đã 3 năm nay gặp vấn đề về ngôn ngữ và có thói quen chơi một mình. Chị Khanh cho hay: Lúc cháu bị hội chứng này, tôi không hề hay biết. Mười mấy tháng tuổi thì cháu vẫn bập bẹ nói bình thường. Đến hơn 3 tuổi, gia đình tôi mới phát hiện cháu khác thường, không nói được và có nhiều hành vi lạ. Đến giờ, tuy đã 7 tuổi nhưng cháu mới chỉ nói được vài từ rõ nghĩa. Dù đã hơn 7 tuổi, nhưng mọi sinh hoạt của cháu vẫn chưa thể bình thường.

 

Các phụ huynh có con bị tự kỷ tập hợp lại để cho các cháu có cơ hội vui chơi cùng nhau
Các phụ huynh có con bị tự kỷ tập hợp lại để cho các cháu có cơ hội vui chơi cùng nhau

Còn anh Trần Anh Dũng ngụ ở huyện Mộ Đức lại có con trai (7 tuổi) mắc chứng tự kỷ kèm tăng động. Thường ngày cháu không nói được và có những hành động gây chú ý như đập phá, chạy nhảy lung tung. Đến hơn 4 tuổi, gia đình anh mới phát hiện ra cháu bị tự kỷ sau khi dẫn đi khám ở nhiều nơi và được kết luận sức khỏe, thần kinh bình thường.

Để lo cho con, vợ anh Dũng phải nghỉ làm, dẫn cháu đi điều trị ở các thành phố lớn trong nước. Anh Dũng hoang mang: Chúng tôi phát hiện cháu bị tự kỷ quá muộn. Do đó, cần phải điều trị dài hơi thì may ra cháu mới bớt, mà chúng tôi lại không có điều kiện dẫn cháu đi xa hoài được. Giờ gia đình chỉ biết dạy cháu ở nhà theo kinh nghiệm học lẫn nhau từ các gia đình cũng có con bị tự kỷ khác.

Không chỉ riêng chị Khanh, anh Dũng mà hầu hết gia đình có trẻ tự kỷ khác đều phát hiện trẻ mắc hội chứng đặc biệt này khi trẻ bước vào giai đoạn lên 3-4 tuổi, thậm chí là muộn hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi cho biết: Thực trạng chung đang xảy ra là phụ huynh vẫn chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe của con, dẫn đến việc phát hiện con mắc tự kỷ quá muộn. Nếu phát hiện sớm, trước 3 tuổi thì khả năng trẻ khỏi hoàn toàn sẽ rất cao. Nếu không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp, trẻ sẽ rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ, sau này dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần.

Loay hoay tìm cách dạy con

Số lượng trẻ tự kỷ ở Quảng Ngãi vẫn chưa được thống nhất, rà soát cụ thể. Riêng tại Bệnh viện tâm thần tỉnh, trong 2 năm 2012-2013, mỗi năm tiếp đón hơn 50 cháu mắc chứng tự kỷ đến điều trị, tăng hơn nhiều so với những năm trước. Đó là chưa kể, số lượng trẻ được phụ huynh dẫn đi chữa trị ở nơi khác có thể cao gấp nhiều lần con số 50.
 
Trẻ tự kỷ thường gặp một trong 3 vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và liên quan đến cảm xúc và hành động. Nguyên nhân gây ra là do: tâm sinh lý, phát triển vỏ não, môi trường sống… Trẻ bị tự kỷ có rất nhiều biểu hiện khác nhau, đòi hỏi cách điều trị ở mỗi trẻ cũng phải khác nhau. Nhưng hiện ở tỉnh ta, việc điều trị cho trẻ tự kỷ vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Bác sĩ Vũ- Giám đốc Bệnh viện tâm thần cho biết: Hiện bệnh viện chỉ có 1 cử nhân tâm lý làm nhiệm vụ tư vấn và điều trị về tinh thần cho 6 trẻ tự kỷ/ngày. Trong khi đó, nhu cầu được điều trị của trẻ tự kỷ thì cao hơn nhiều. Chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng được.

Để điều trị cho trẻ tự kỷ, phụ huynh chỉ còn cách dẫn cháu đi điều trị ở xa, tốn hàng chục triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hầu hết các gia đình đều bỏ cuộc giữa chừng vì chi phí điều trị quá lớn. Cứ như vậy, bệnh tình của các cháu vẫn không có biểu hiện khá hơn.
 
 
Không có lớp dạy chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, các phụ huynh chỉ còn biết cách học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau
Không có lớp dạy chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, các phụ huynh chỉ còn biết cách học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau


Chị Phùng Thị Linh, ngụ ở huyện Sơn Tịnh có con trai 5 tuổi mắc chứng tự kỷ bày tỏ: Từ khi phát hiện cháu mắc hội chứng này, tôi đã bỏ hết tiền của ra để đưa cháu đi điều trị ở Hà Nội. Thế nhưng đành quay về quê sau 3 tháng vì hết tiền. Giờ tôi chỉ biết mò mẫm qua sách báo và nhờ vào các buổi tập trung sinh hoạt với các phụ huynh khác để học cách dạy, điều trị cho con tại nhà.
 
Thế nhưng, với trẻ tự kỷ, việc dạy tại nhà phải kèm theo các lớp học chuyện biệt điều trị tâm lý bằng nhiều cách mới có biểu hiện khá hơn. Hiện tỉnh ta vẫn chưa có lớp học chuyên biệt cho đối tượng trẻ này.

Chị Nguyễn Thúy Khanh cũng bộc bạch: Rất khó để tìm chỗ nhận dạy trẻ, như gia đình tôi thì phải cắt cử người ở nhà dạy cháu chứ gửi ở đâu người ta cũng không nhận. Tôi rất mong tại địa phương mình có mô hình thực hiện chương trình chuyên biệt dạy cho trẻ tự kỷ. Với mô hình này, trẻ sẽ tiến bộ và gia đình thì đỡ tốn chi phí hơn rất nhiều.

Các phụ huynh có trẻ tự kỷ đã chủ động liên lạc với nhau để học hỏi kinh nghiệm dạy con. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa thể giúp trẻ khỏi hoàn toàn và không có sự can thiệp tâm lý của các bác sĩ thông qua các mô hình lớp học. Do đó, đến hiện tại, nhiều gia đình có trẻ tự kỷ vẫn cứ loay hoay, không biết chăm sóc con, dạy con như thế nào mới hiệu quả.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương


.