Với sự dư thừa trong chế độ ăn uống, nhất là ăn uống không hợp lý quá nhiều thịt, mỡ, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá... kết hợp với áp lực công việc căng thẳng, các stress kéo dài, cuộc sống làm việc tĩnh tại, ít vận động... cùng với các yếu tố khác như nhiễm virut, độc chất, hay sử dụng thuốc không theo chỉ định đã gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm; trong đó bệnh lý gan nhiễm mỡ đang ngày càng có biểu hiện tăng cao ở Việt Nam.
Phát hiện gan nhiễm mỡ có dễ?
Gan nhiễm mỡ là khi lượng mỡ trong gan > 5% trọng lượng của gan và trong các tế bào gan chứa các không bào mỡ. Có 4 cơ chế chính gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan, đó là do chế độ ăn uống quá nhiều dầu mỡ hoặc các acid béo, đặc biệt là mỡ động vật bão hòa hoặc tăng sự phân phối mỡ đến tế bào gan, do tăng sự tổng hợp acid béo ở ty lạp thể hoặc giảm quá trình ôxy hóa mỡ trong tế bào gan; do giảm sự bài xuất tế bào mỡ ra khỏi tế bào gan và do sự tăng vận chuyển carbonhydrat đến gan quá nhiều.
Các nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ trước hết phải kể đến là do rượu, 90% đàn ông uống rượu nhiều đều gây ra gan nhiễm mỡ và lâu dài dẫn đến xơ gan, nhóm nguyên nhân thứ hai là béo phì, đây là nguyên nhân gan nhiễm mỡ thường gặp ở các nước phương Tây nhưng hiện tại cũng đang có chiều hướng gia tăng ở Việt nam. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như đái tháo đường typ 2, do thuốc hoặc sử dụng quá nhiều đường, trong viêm gan virut C giai đoạn đầu...
Triệu chứng lâm sàng của gan nhiễm mỡ nghèo nàn, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán thường dựa vào siêu âm và để chẩn đoán chính xác phải dựa vào sinh thiết gan. Trên siêu âm, thường chia gan nhiễm mỡ làm 3 độ: Gan nhiễm mỡ độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan; Gan nhiễm mỡ độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều; Gan nhiễm mỡ độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
Các thuốc gây nhiễm mỡ cho gan
Nhiều thuốc có thể gây nhiễm mỡ cho gan nếu không được sử dụng đúng chỉ định hoặc sử dụng liều cao kéo dài, sau đây là một số thuốc chủ yếu gây nên bệnh lý này:
Nhóm glucocorticoid (prednisolon, dexamethason...): tác động này phần lớn xuất hiện ở trẻ em, nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ có thể là do tăng giải phóng acid béo từ các mô mỡ, tác dụng này có thể hồi phục nếu ngưng sử dụng thuốc.
Amiodarone: là một thuốc chữa loạn nhịp tim, việc dùng thuốc này thường gây ra tăng men gan, dùng thuốc kéo dài có thể gây ra gan nhiễm mỡ giọt lớn và những biến đổi bệnh lý gần giống như viêm gan do rượu. Khi có dấu hiệu tổn thương gan tốt nhất nên dừng thuốc.
Acid valproic: là một thuốc chống co giật, ít khi gây ra gan nhiễm mỡ dạng giọt nhỏ, thường là kết hợp với hoại tử gan đặc biệt là ở trẻ em. Những bất thường ở gan thường xảy ra từ vài tháng sau khi sử dụng thuốc.
Ngoài ra còn nhiều thuốc khác có thể gây nhiễm mỡ ở gan như methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư), estrogen (thường dùng trong ngừa thai), perhexilin (thuốc trị cơn đau thắt ngực) và tất cả các thuốc gây độc cho tế bào gan như thuốc kháng virut, thuốc chống lao, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng giáp tổng hợp...
Nhiều giải pháp chữa trị và dự phòng
Nói chung về điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ, dựa vào yếu tố thường gặp ở Việt Nam là do rượu và do tăng mỡ máu; vì vậy trước hết cần tránh uống rượu bia nhiều, hạn chế ăn nhiều đường và mỡ, tập thể dục thường xuyên, tránh các thuốc gây độc cho gan và điều trị theo nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Điều trị viêm gan virut nếu có.
Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat (lypanthyl, lipavlon), nhóm lovastatin hoặc simvastatin, vitamin E liều cao, cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nếu có bệnh lý đái tháo đường, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tùy theo tình trạng nhiễm mỡ, tùy theo điều kiện kinh tế của bệnh nhân mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như livolin H, methionin hay silimarin.
Và điều cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc có khả năng gây độc cho gan nói chung và khả năng gây nên bệnh lý gan nhiễm mỡ nói riêng, như đã trình bày ở trên, người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Theo ThS. Nguyễn Thu Hiền/SK&ĐS