Tình hình dịch cúm A (H5N1) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp. Thế nhưng ở nhiều nơi, người dân địa phương vẫn thờ ơ, vô tư chăn nuôi, mua bán và sử dụng gia cầm chưa qua kiểm dịch. Ngay cả khi đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với một em nhỏ 4 tuổi nhiễm cúm A H5N1 ở huyện Cao Lãnh nhưng xem ra ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa nâng cao là mấy.
Chỉ cách đây khoảng 2 tuần, cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi, ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1. Nguyên nhân mà người thân trong gia đình em đều biết rất rõ là bé nhiễm cúm do chính người thân của mình tạo nên. Con gà mua về đã bị cúm lăn ra chết. Thế mà, do tiếc rẻ mà người nhà vẫn được làm thịt gà ăn và để lại hậu quả đau lòng.
Bà Mai Thị Phương, bà ngoại của cháu bé bị tử vong do nhiễm cúm A H5N1 nói trong đau xót: “Lúc mua gà thấy nó còn khỏe. Sau đó nhà mới nói là gà bệnh rồi. Tôi tiếc, làm thịt. Ai nhè tôi không sao mà cháu tôi nó chết”.
Có thể nói, thực trạng chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm ở tỉnh Đồng Tháp và nhiều địa phương khác vẫn còn nhiều bất cập nên dịch bệnh cứ diễn ra là điều tất yếu. Trong đó, ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm còn thấp cộng với phương thức chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, thả rong như hiện nay nên rất khó quản lý. Đến nay, các ngành chức năng đã tiến hành tiêm phòng được gần 275.000 con gà, đạt trên 57% tổng đàn và 2 triệu con vịt, đạt tỷ lệ hơn 78%. Với tỷ lệ đạt thấp, ngành chức năng lý giải là do tập quán nuôi vịt chạy đồng, gà thả rong, ngủ trên cây nên thật sự gây nhiều khó khăn trong công tác chủ động phòng chống dịch.
Còn đối với người dân, bà Nguyễn Thị Loan ở Phường Mỹ Phú, Thành phố Cao Lãnh cho biết lý do chăn nuôi vài con gà ngay giữa lòng đô thị như thế này: “Tôi đâu có nuôi để mua bán, sản xuất gì đâu. Nuôi có vài cặp gà kiểng để mấy đứa cháu nó chơi thôi. Gà ngủ cành cây nên mình không làm chuồng. Cũng không ai bảo đem gà đi chích ngừa nên tôi không đem đi chích”.
Nguy cơ dịch cúm gia cầm trong thời gian gần đây đã liên tục được cảnh báo. Tuy nhiên, để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, không chỉ cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, mà quan trọng hơn là chính từ phía ý thức người dân. Thế mà, tại chợ Thành phố Cao Lãnh, việc giết mổ gia cầm diễn ra rất đơn giản. Chỉ với nồi nước đun sôi, thế là cứ đôi bàn tay quen, một người chuyên giết mổ gia cầm thuê nơi đây có thể làm vài chục con mỗi ngày mà không cần một dụng cụ hỗ trợ, bảo vệ nào.
Chị Tống Thu Nguyệt, người làm gia cầm sống cho biết như thế này: “Tụi em làm mà bịt mặt, bịt mũi là khó làm lắm, thở không nổi. Làm hồi đó giờ rồi nếu có chết thì đã chết rồi. Bây giờ đồn cúm làm chết người mà tôi có thấy đâu. ở đây có ai chết đâu”.
Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan và bùng phát mạnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp kinh phí mua 10 triệu liều vaccine để đảm bảo nhu cầu tiêm phòng. Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình giết mổ gia cầm tại các chợ, vận chuyển gia cầm qua biên giới, yêu cầu xét nghiệm ngay đối với các trường hợp nghi vấn, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Mọi công tác phòng chống dịch đã chủ động, vấn đề còn lại là sự hợp tác từ phía người dân để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhưng xem ra, còn lắm gian nan ./.
Theo Thanh Tùng/VOV