Triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa hội chứng viêm da tái xuất

08:02, 28/02/2013
.

(QNĐT)- Sau khi phát hiện 2 ca nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân tại xã Sơn Ba (Sơn Hà), ngày 27/2, đoàn công tác của ngành y tế đã kịp thời đến tận nơi để phun độc khử trùng môi trường, đồng thời động viên  nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.

TIN LIÊN QUAN


Cuộc sống của nhân dân thôn Kà Khu bấy lâu nay trôi qua bình lặng bỗng nhiên trở nên xáo trộn khi hay tin vợ chồng bà Đinh Thị Lơ mắc bệnh. Mấy ngày nay, người nào cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì ngờ rằng căn bệnh  ở Ba Điền đã về “hỏi thăm” xóm làng yên bình của đồng bào H’re nơi đây.

Chị Định Thị Thoa ngụ ở xóm Kạp La, thôn Kà Khu không giấu nổi lo lắng khi nói rằng: Hay tin vợ chồng bà Lơ bị bệnh mà gia đình tôi và nhiều hộ khác trong xóm đều đứng ngồi không yên. Tôi e rằng không sớm thì muộn căn bệnh quái ác này cũng sẽ đe dọa cuộc sống của chúng tôi.

 

Nhân viên y tế tiến hành phun hóa chất khử trùng tại khu vực nhà ở trong thôn Kà Khu
Nhân viên y tế tiến hành phun hóa chất khử trùng tại khu vực nhà ở trong thôn Kà Khu


Nỗi lo càng có có cơ sở khi ngành y tế phát hiện có 9 trường hợp tăng men gan trong đợt khám sàng lọc tại Trạm Y tế xã Sơn Ba vào ngày 23-24/2 vừa qua. Chị Định Thị Oanh- y tá tại Trạm cho hay: Sau khi khám sàng lọc 341 người trong xã thì phát hiện có 9 trường hợp men gan tăng nhẹ so với bình thường, không có dấu hiệu tổn thương da. Do đồng bào H’re có thói quen hay uống rượu nên kết quả này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, ngay cả trẻ em cũng có dấu hiệu tăng men gan. Cụ thế như đứa con gái nhỏ của tôi có kết quả không tốt sau khi khám sàng lọc.

Có cùng thắc mắc với chị Oanh, nhiều hộ gia đình khác khi nhận được kết quả không tốt về men gan trong đợt khám sàgn lọc đều vô cùng lo lắng với ý nghĩ rằng, bệnh viêm da dày sừng tái phát ngay trên chính ngôi làng của mình.

Anh Đinh Văn Sỏi chia sẻ: Nghe nói có người trong thôn mắc bệnh viêm da dày sừng, tôi rất ngạc nhiên bởi khu dân cư Kà Khu là một trong những thôn có điều kiện vệ sinh môi trường tốt. Hằng ngày, chúng tôi vẫn sử dụng nguồn nước từ hệ thống nước sạch, và việc ăn gạo ủ đã không còn.

 

Đồng bào H’re tại địa phương đã bỏ thói quen ăn gạo ủ mốc từ lâu
Đồng bào H’re tại địa phương đã bỏ thói quen ăn gạo ủ từ lâu


Sự có mặt của ngành y tế vào sáng 27/2 với công tác phun độc khử trùng, đồng thời hướng dẫn đồng bào cách phòng ngừa bệnh dịch là điều hết sức cần thiết để trấn an nhân dân địa phương. Cùng với việc sử dụng hóa chất phun độc khử trùng tại khu vực sinh sống của đồng bào thôn Kà Khu, cán bộ y tế xã, huyện và tỉnh đã nỗ lực hướng dẫn, tuyên truyền cách giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện tại, chúng tôi đã lên kế hoạch phòng dịch tại xã Sơn Ba trong thời gian dài. Trước mắt, chúng tôi cử cán bộ y tế tích cực đi tuyên truyền để người dân nhận thức được Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân không có tính lây lan, truyền nhiễm. Điều này rất quan trọng bởi sẽ giúp tránh khỏi tình trạng đồng bào có thái độ xa lánh những người có dấu hiệu mắc bệnh, và không còn hoang mang, lo lắng.

“Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức đoàn đến khám sàng lọc tại địa phương nhằm kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn tất công tác tiêu độc khử trùng môi trường và hướng dẫn đồng bào ăn ở vệ sinh, ăn chín uống sôi để phòng ngừa dịch bệnh”- Ông Nên cho biết thêm.

 

Lấy mẫu nước tại thôn Kà Khu để đem đi xét nghiệm
Lấy mẫu nước tại thôn Kà Khu để đem đi xét nghiệm


Sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn kịp thời, đồng bào nơi đây đã bớt phần lo lắng. Anh Phạm Văn Tí cho biết: Để phòng bệnh cho bản thân và gia đình, chúng tôi đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, vườn tược gọn gàng. Đồng thời sẽ chủ động đến Trạm y tế khám khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Hiện tại, bà con trong thôn vẫn giữ nhịp sinh hoạt, lao động như ngày thường.

Trong sáng nay, đoàn công tác của ngành y tế tỉnh đã lấy mẫu nước, đất tại địa phương đem đi xét nghiệm. Công tác khử khuẩn môi trường và cấp phát thuốc cho đồng bào thôn Kà Khu sẽ được tiến hành thường xuyên, định kỳ trong thời gian tới phòng tình trạng bệnh bùng phát tại địa phương.

 


Bài, ảnh: Thanh Phương

 

 


.