(QNg)- Hơn 30 năm qua, đồng hành cùng những cây kim châm cứu, ông Nguyễn Á (thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, Bình Sơn) đã cứu chữa cho không biết bao nhiêu người. Tưởng rằng bàn tay tài hoa sẽ giúp ông hái ra tiền, thế nhưng, ông tâm niệm: "Tôi chỉ dùng cây kim để cứu người, chứ không dùng nó để mưu sinh".
Nghề chọn người
Men theo con đường nhỏ sát chợ Vạn Tường là đến được nhà ông. Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng được ông trang trọng dành hẳn một phòng để phục vụ cho việc châm cứu. Ngồi sắp xếp lại hộp kim châm cứu, ông Á cười hiền: "Phòng này rộng rãi nhất đấy, tôi ưu ái dành riêng cho bà con tới chữa bệnh".
Lương y Nguyễn Á đang tận tình châm cứu cho người bệnh. |
Ngày trước, thầy châm cứu Nguyễn Á là giáo viên trường cấp 1, 2 Bình Hải. Những năm tháng dạy học rồi làm quản thư cho thư viện, thầy Á đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đọc sách về cây thuốc nam, về cách trị bệnh dân gian với hy vọng trau dồi thêm vốn hiểu biết của mình để tự trị một số căn bệnh thông thường.
Rồi cơ duyên châm cứu đến với ông sau đợt tham gia công tác của Hội Chữ thập đỏ tại trường. Những bài học sơ đẳng về châm cứu, về Đông y đã mở ra cho người thầy vốn chỉ làm công việc gõ đầu trẻ một niềm đam mê mới.
Từ khi được tham gia tập huấn, học nghề về châm cứu, ông Á mạnh dạn tìm học hỏi thêm từ các bậc tiền bối. Khăn gói học "nghề" từ thầy Đỗ Minh Liên, rồi lại học lớp nâng cao kỹ thuật châm cứu của bậc thầy châm cứu Việt Nam - GS Nguyễn Tài Thu càng tăng thêm niềm hăng say, nhiệt huyết trong ông.
Đến năm 1994, sau khi nghỉ hưu không giảng dạy nữa, ông Á bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu và dồn tất cả tâm huyết cho việc chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu.
Nửa đời tâm huyết
Từ lần đầu tiên cầm cây kim châm cứu đến nay đã hơn 30 năm ròng, thế nhưng ông Á chưa từng nghĩ đến việc dùng tài châm cứu này để kiếm tiền. Đối với ông, việc khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con, nhất là những người còn khó khăn, vất vả là niềm vui. Bao nhiêu năm qua, bằng tài năng và tâm huyết, ngôi nhà nhỏ của ông Á châm cứu trở thành địa chỉ tin yêu của bà con trong vùng.
"Ngày trước, khi chưa có Khu Kinh tế Dung Quất, mảnh đất này còn hoang vu lắm. Đường sá thì gập ghềnh, ngoảnh mặt nhìn ra thấy toàn rừng là rừng nên mỗi lần đau ốm, người dân lại chạy đến tôi nhờ cứu chữa, chứ đi bệnh viện thì xa quá", ông Á sẻ chia.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con trong vùng, mà nhiều người bệnh ở khu vực lân cận cũng tìm đến ông để nhờ châm cứu. Từ những căn bệnh thông thường như trẻ em hay quấy khóc, các bệnh về khớp… đến những bệnh khó chữa hơn như thần kinh ngoại biên, liệt nửa mặt… trung bình 1 năm, ông Á châm cứu miễn phí cho hơn 300 lượt người.
Cụ Nguyễn Nghiễm, một người dân xã Bình An tìm đến ông Á để châm cứu bộc bạch: "Tôi bị bệnh khớp hành hạ đã bao năm rồi. Khi trái gió trở trời là chân tôi bị sưng phù lên. Mỗi lần như thế, tôi lại tìm đến ông Á để châm cứu. Thế là hết sưng ngay. Đã 3 năm ròng chữa trị, thế nhưng chẳng bao giờ ông lấy tiền".
Gắn bó với công việc châm cứu, lắm lúc phải chịu nhiều vất vả, nhưng ông Á vẫn miệt mài tận tâm với công việc. Tỉ mỉ đặt bàn chân sưng vù của ông Nghiễm lên ghế được lót sẵn chiếc mền cho êm, thầy Á vừa châm cứu vừa tâm sự: "Không phải lúc nào bệnh nhân cũng đến được nhà mình như cụ Nghiễm này đâu. Nhiều khi họ đau ốm, không đi xa được là tôi lại đến tận nhà".
Cùng với bộ đồ nghề là hộp kim châm cứu, mỗi khi có ai nhờ giúp đỡ, dù là giữa đêm khuya, thầy Á vẫn tận tình đến tận nhà cứu chữa. Lắm lúc đang chuẩn bị đón giao thừa cùng gia đình, nhưng có người gọi, ông Á cặm cụi đi ngay. Rồi nhiều lúc, bệnh nhân đã tử vong rồi, nhưng người nhà vẫn mang đến nhà ông với hy vọng "còn nước còn tát". Nhớ về kỷ niệm đặc biệt đó, thầy Á trải lòng: “Lúc đó, tôi cũng hoảng lắm chứ. Nhưng ngẫm lại, do mình được người ta tin cậy, nên tự hứa với lòng phải cố gắng nhiều hơn".
Ông Nguyễn Duy Thanh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bình Sơn cho biết: "Lương y Nguyễn Á là một tấm gương sáng về y đức và tinh thần nhân đạo. Nhiều năm qua, ông không chỉ là một cán bộ Hội Chữ thập đỏ gương mẫu của xã Bình Hải mà còn giúp đỡ người nghèo khó bằng cách chữa bệnh miễn phí. Đó là một công việc thầm lặng rất đáng trân trọng".
Bài, ảnh: Ý THU