(QNg)- Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS) là biện pháp thăm dò đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện những nguy cơ mà trẻ có thể mắc trong thời gian mẹ mang thai hoặc sau khi sinh. Từ 2009 đến nay, đề án này được triển khai tại Quảng Ngãi bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên để đề án đi vào chiều sâu cần sự phối hợp của các cấp ngành và cả cộng đồng.
Tỉ lệ được sàng lọc còn thấp
Đề án SLTS và SS triển khai tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh (ngoài Lý Sơn và Tây Trà chưa triển khai). Đề án chủ yếu tập trung vào phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down, đặc biệt 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6PD (nguyên nhân gây bệnh lý di truyền vàng da, dễ tử vong) và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Đây là những dị tật có hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Mỗi thai phụ được SLTS kết hợp với SLSS sẽ loại bỏ được 95% các trường hợp thai nhi bất thường, trẻ sinh ra tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên.
Lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh là biện pháp sàng lọc sơ sinh đơn giản nhằm giúp phát hiện sớm dị tật ở trẻ sơ sinh. |
Tại huyện Sơn Tịnh, đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trung tâm dân số huyện đã tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại địa phương có kiến thức hiểu biết về lợi ích của đề án. Riêng từ năm 2011 đến nay, huyện Sơn Tịnh đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh lấy hơn 103 mẫu máu từ gót chân trẻ sơ sinh để gửi Trường đại học Y dược Huế sàng lọc. Riêng năm 2011, có 43 mẫu, kết quả có 4 mẫu thiếu men G6PD. Theo ông Trầm Gia Định - Giám đốc Trung tâm dân số huyện, một thực tế hiện nay, việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc làm này, dù nó đem lại lợi ích to lớn để tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh cho tương lai.
Khi được đề cập làm sàng lọc sơ sinh, chị Nguyễn Thị Thu Vân, ở huyện Sơn Tịnh, một sản phụ vừa sinh con ngần ngại: "Chị cũng không hiểu việc SLTS và SS có những lợi ích gì, đến đây sinh, bác sĩ hướng dẫn sao thì làm theo thế đó". Còn chị Võ Thị Diễm ở xã Đức Minh (Mộ Đức), đi khám thai ở tháng thứ 3, bác sĩ sau khi siêu âm phát hiện thai nhi bị dị tật, thế nhưng vì thương con, chị cứ nghĩ do bác sĩ đoán nhầm, không chịu phá bỏ. Đến tháng thứ 8, đi siêu âm lại thì lúc này kết quả thai nhi đã rõ ràng theo đúng chẩn đoán trước đó, chị và gia đình rất đau đớn đành phải phá bỏ thai nhi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chị.
Nói về kết quả triển khai đề án trong hơn 3 năm qua, ông Đặng Chính - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Trong năm 2011, đề án mới chỉ tập trung vào thực hiện lấy máu gót chân cho gần 200 trẻ sơ sinh, kết quả có 2 trường hợp thiểu năng tuyến giáp và thiếu men G6PD. Tương ứng với 9,6% số trẻ sinh ra được khám sàng lọc. Tính bình quân trong năm, Quảng Ngãi có hơn 16.000 trẻ em sinh ra, thì sẽ có gần 1.540 trẻ có nguy cơ vì không được phát hiện sớm các dị tật… Trong năm 2012, đề án tiếp tục mở rộng mạng lưới sàng lọc. Các tuyến cơ sở thực hiện SLTS cho hơn 500 bà mẹ mang thai và sàng lọc sơ sinh cho gần 1.900 trẻ nhằm phát hiện sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh. Quảng Ngãi là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh và trẻ em bị dị tật, khuyết tật ở Quảng Ngãi vẫn còn ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số. Vì thế việc nâng cao hiệu quả của đề án sẽ từng bước kiểm soát, phát hiện điều trị nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, mắc các bệnh di truyền...
Tăng cường tuyên truyền
Điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng sản phụ chủ động đi sàng lọc trước sinh và sơ sinh quá thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với việc SLTS, nhiều thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm nên việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó hoặc có trường hợp phát hiện ra dị tật thì thai phụ đã chuẩn bị sinh. Khó khăn nữa là kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế…
Nhằm tạo điều kiện cho các cấp lãnh đạo địa phương và người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức tư vấn cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình SLTS và SS, tư vấn và theo dõi các trường hợp có nguy cơ cao.
Theo ông Đặng Chính, điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc. Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của mình và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra".
Đề án SLTS và SS đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dân số giai đoạn 2010 - 2020. Để đề án triển khai có hiệu quả cao, đạt được các mục tiêu đề ra, rất cần công tác truyền thông của cả cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ truyền thông dân số từ tỉnh đến cơ sở, giúp cho các bà mẹ mang thai sinh ra những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
KIM NGÂN