(QNg)- Bị bệnh nhân cắn, chửi bới, rượt đuổi… là chuyện "bình thường thôi" của những người khoát áo blouse trắng ở Bệnh viện tâm thần. Để giúp những con người "không bình thường" ấy trở lại hòa nhập với cuộc sống, những "từ mẫu" ở đây vẫn ngày đêm thầm lặng, không quản ngại khó khăn, vừa làm thầy thuốc tận tụy, vừa là người thân của những phận đời vô thức...
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, bác sĩ Đặng Trong, quê ở Thừa thiên Huế đã chọn Quảng Ngãi làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Năm 2001, anh tình nguyện về làm việc tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần- nay là Bệnh viện tâm thần. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã dần thích nghi với công việc lắm áp lực, và cũng không ít gian truân.
Bác sĩ Đặng Trong đang thăm khám bệnh nhân tâm thần. |
Hơn 10 năm trực tiếp khám, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân tâm thần. Chính tấm lòng yêu thương bệnh nhân, tận tụy trong nghề nghiệp và kỷ niệm vui-buồn cùng người bệnh đã giúp bác sĩ Trong hòa mình vào cuộc sống, công việc nơi đây.
Đã không ít lần anh bị chính người bệnh tấn công, bị trầy xước, bị người bệnh phun cả thuốc, nước bọt vào mặt khi anh cho bệnh nhân uống thuốc, hay thậm chí phải bỏ chạy khi bệnh nhân "lên cơn bất tử" rượt đuổi… Đó là những kỷ niệm anh không thể nào quên. "Những lúc như vậy, mình càng yêu thương, cảm thông người bệnh hơn. Vì họ không thể kiểm soát ý thức, hành vi, mình càng phải quyết tâm điều trị giúp họ vượt qua bệnh tật. Thế nhưng, điều làm chúng tôi trăn trở nhất chính là sự kì thị của xã hội đối với người bệnh tâm thần còn nhiều, khiến cho quá trình hòa nhập cộng đồng của họ gặp khó khăn" - bác sĩ Trong nói.
Còn đối với điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hoa, 13 năm gắn bó trực tiếp với người bệnh tại Bệnh viện tâm thần là bấy nhiêu năm chị trải nghiệm với nhiều trạng thái, tâm lý, tình cảm khác nhau. Chị Hoa tâm sự: Các bệnh nhân ở đây đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn của cuộc sống và thái độ thân thiện, luôn gần gũi, hòa đồng với người bệnh là yếu tố quan trọng để giúp họ ổn định tâm lý, phối hợp với bác sĩ trong việc điều trị. Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là họ không bao giờ nhận mình bị bệnh nên phản ứng quyết liệt với việc khám, điều trị của thầy thuốc. Vậy là phải tỉ tê trò chuyện, nắm bắt tâm lý, tình cảm của người bệnh để có những chẩn đoán chính xác.
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân tâm thần càng khó khăn gấp bội. Với họ, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị. Nhiều khi các bác sĩ phải "nhập vai" thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh, để tìm ra nguyên nhân. Các bệnh nhân ở đây không có người nhà chăm sóc, vì thế ngoài việc chữa trị, họ phải chăm sóc cho người bệnh từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt vệ sinh cá nhân… sự tận tụy hằng ngày ấy không thể kể hết.
Bệnh viện tâm thần tỉnh hiện có 76 cán bộ, y, bác sĩ. Mỗi ngày, trung bình các bác sĩ chuyên khoa liên tục khám, kê đơn thuốc phục vụ gần 80 bệnh nhân nội trú và hơn 150 bệnh nhân ngoại trú. Với phương châm "Tất cả vì sức khỏe tâm thần và vì người bệnh tâm thần", đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn tận tâm chăm sóc, hết lòng vì người bệnh, xem bệnh nhân như người nhà của mình. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh cho biết: "Làm việc ở Bệnh viện tâm thần, nếu không có tâm, cảm thông đối với bệnh nhân thì không thể làm được. Căng thẳng, áp lực trong công việc là không tránh khỏi, nhưng đa số cán bộ ở đây luôn khắc phục khó khăn, nhiệt tình, tận tụy với bệnh nhân".
Bài, ảnh: KIM NGÂN