Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh

04:05, 22/05/2012
.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, tránh những tác dụng không mong muốn và sự kháng thuốc, việc sử dụng kháng sinh phải theo những nguyên tắc chặt chẽ...

Nhiều người bị nhiễm khuẩn, như viêm phổi chẳng hạn, phải tiêm kháng sinh liều cao, và họ thường cho rằng: tiêm kháng sinh sẽ nhanh khỏi bệnh hơn là uống thuốc. Điều này không chính xác, bởi kháng sinh là những chất có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp hoặc tổng hợp, có tác dụng đặc hiệu kìm hãm sự phát triển hoặc diệt các vi sinh vật.
 
Do vậy, để nâng cao hiệu quả điều trị, tránh những tác dụng không mong muốn và sự kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh, việc sử dụng kháng sinh phải theo những nguyên tắc chặt chẽ.
 


Tùy theo loại nhiễm khuẩn, vị trí ổ nhiễm khuẩn, tình trạng người bệnh: có uống được thuốc không, có trong tình trạng cấp cứu không, có bệnh kèm theo không… mà các kháng sinh được lựa chọn phù hợp. Do cấu trúc hóa học và tính chất của các thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng khác nhau nên mỗi thuốc khi được sử dụng sẽ có những liều dùng, khoảng cách giữa các lần dùng và đường dùng khác nhau. Có thuốc dùng được cả đường tiêm, đường uống ví dụ kháng sinh ampicillin, trong khi đó gentamicin, amikacin chỉ dùng được đường tiêm.


Kháng sinh là một loại thuốc đặc hiệu, được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn, do vậy, khi sử dụng và dùng theo đường nào cần phải được các thầy thuốc cân nhắc lựa chọn. Không tự động sử dụng kháng sinh khi chưa được thầy thuốc chỉ định. Nếu dùng đường uống mà cho kết quả tương tự đường tiêm, thì ưu tiên đường uống hơn vì vừa dễ sử dụng, vừa ít tai biến.

Kháng sinh dùng đường tiêm có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Ưu điểm: thuốc hấp thu trực tiếp và hoàn toàn vào máu, nhanh chóng đến được ổ nhiễm khuẩn và đạt hiệu quả cao. Nhược điểm: cần phải có dụng cụ thích hợp, như bơm tiêm, dụng cụ tiêm truyền, bơm tiêm điện…; cần có sự giúp đỡ của cán bộ y tế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, vì bệnh nhân không thể tự tiêm cho mình; tiêm gây đau đớn cho bệnh nhân; vì có tác dụng nhanh, hấp thu trực tiếp vào máu, nên kháng sinh đường tiêm có thể gây tai biến rất nặng nề nếu cơ thể không dung nạp thuốc, nếu tiêm sai quy cách, hoặc do bệnh nhân dị ứng thuốc gây sốc phản vệ có thể tử vong; khi dùng đường tiêm có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, lây chéo viêm gan virus B, C, hoặc HIV, tạo ổ áp-xe nơi tiêm…

Do vậy, chỉ dùng kháng sinh tiêm trong các trường hợp sau:

- Bệnh nhân không nuốt được, tổn thương hệ tiêu hóa, nôn trớ liên tục…

- Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, rối loạn hấp thu đường tiêu hóa.

- Cần khống chế ngay tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh như trong nhiễm khuẩn máu do não mô cầu.

- Loại kháng sinh đó không có dạng bào chế đường uống.

Trong đại đa số các trường hợp nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh đường uống với liều lượng và khoảng cách giữa các lần thích hợp sẽ có tác dụng chữa bệnh tương tự như đường tiêm. Ngoài ra, kháng sinh đường uống dễ dùng, tránh được đau đớn cho bệnh nhân, nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến, chi phí điều trị thấp hơn. Tiêm kháng sinh đắt tiền hơn, đòi hỏi kỹ thuật và quy trình cao hơn, có thể gây tai biến, nhiều tác dụng phụ hơn khi dùng đường uống.

 


Theo Phụ nữ TPHCM


 


.