Bác sĩ trẻ phải “đi nghĩa vụ”

02:03, 26/03/2012
.

Nhiều giải pháp về giảm tải bệnh viện đã được Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII sáng 26/3.

Cuối năm nay, nhiều bệnh viện sẽ được giảm tải

“Quá tải bệnh viện” vấn là vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội quan tâm và mong chờ có câu trả lời xác đáng, cụ thể từ phía người đứng đầu ngành Y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giảm tải bệnh viện là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành y tế cần giải quyết trong giai đoạn 2011 – 2016, đòi hỏi sự vào cuộc của tổng thể các bộ máy xã hội.

Theo quy định tại khi vực châu Á – Thái Bình Dương tối thiểu là 33 giường/10.000 dân, Hàn Quốc là 86 giường/10.000 dân… nhưng ở Việt Nam chỉ là 20 giường/10.000 dân, cho nên tình trạng quá tải là điều dễ hiểu. “Giải pháp đầu tiên là phải tăng số giường bệnh”, Bộ trưởng Y tế khẳng định. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bộ Y tế cũng đã xây dựng đề án xây dựng các bệnh viện vệ tinh theo chỉ đạo của các bệnh viện Trung ương, với các chuyên ngành ung bướu, chỉnh hình và nhi.
 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chứng kiến cảnh quá tải tại khoa Nội - bệnh viện Xanh Pôn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chứng kiến cảnh quá tải tại khoa Nội - bệnh viện Xanh Pôn


Việc luân chuyển cán bộ ngành y cho tuyến dưới để giảm tải cũng là vấn đề hết sức nan giải, bởi ngành y rất khó “giữ chân” bác sĩ, nhất là những người có tay nghề cao. Theo bà Tiến, tới đây Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ nghị định về “nghĩa vụ xã hội” đối với các bác sĩ mới ra trường, giống như ngành giáo dục, các thầy cô giáo phải lên vùng núi làm “nghĩa vụ” vậy.  

Vị Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, theo phân cấp y tế hiện nay với mô hình “tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện” thì tuyến dưới mãi cũng không “khá” được. Theo đó, ngành y sẽ phân tuyến theo năng lực. Trường hợp tuyến huyện nếu được đầu tư tốt vẫn thành bệnh viện hàng đầu, tuyến tỉnh có thể xây dựng thành bệnh viện đặc biệt.

Bệnh cạnh đó, quy chế chuyển viện cũng phải được xiết chặt hơn. Ở nhiều nước, để chuyển viện cần qua tuyến chăm sóc ban đầu, còn ở nước ta, việc chuyển viện còn rất tự do và… theo yêu cầu của bệnh nhân. “Nhiều bệnh có thể chữa khỏi được tại tuyến dưới, nhưng bệnh nhân vẫn ồ ạt lên tuyến Trung ương, tạo nên sự quá tải ảo, đồng thời gây lây nhiễm bệnh viện trong cộng đồng rất lớn xuất phát từ chính phía người nhà bệnh nhân”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, nhiều bệnh viện tuyên Trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… đang gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng thêm hàng chục giường bệnh trong năm nay. “Chúng tôi đã cấp kinh phí cho Khoa Ung bướu Bệnh viện K và bắt buộc phải hoàn thành trong tháng 5/2012 thêm 1 tầng; Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ đưa vào sử dụng thêm 50 giường vào tháng 5/2012, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng cơ sở hai ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân…”, bà Kim Tiến nói.

Sinh viên không mặn mà với ngành y tế dự phòng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hương, đoàn Nghệ An về việc đào tạo bác sĩ cho y tế dự phòng chưa được quan tâm, hầu bết bác sĩ được đào tạo bài bản không muốn phục vụ trong lĩnh vực này, dẫn đến công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở bị coi nhẹ trong khi bệnh dịch nhiều. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nguồn lực cho lĩnh vực y tế dự phòng hiện còn rất thiếu và yếu.

Từ năm 2007, Bộ Y tế mở thêm mã ngành cho các trường y với số điểm chuẩn “ưu ái” cho các thí sinh (điểm đầu vào thấp hơn các ngành khác từ 3 – 5 điểm) nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, rất ít học sinh mặn mà với ngành học này. “Chỉ tiêu tuyển 100 thì may ra được 30 em, bên cạnh đó thời gian đào tạo kéo dài 6 năm cho nên đến năm 2013 mới có những bác sĩ y tế dự phòng chính quy đầu tiên ra trường. Có những tỉnh 5 – 6 năm không tuyển được một bác sĩ y tế dự phòng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Để giải quyết vấn đề thiếu cán bộ y tế dự phòng tuyến cơ sở, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã đưa giải pháp đào tạo theo yêu cầu xã hội, tức là sẽ đạo tạo liên thông cho các cán bộ, y sĩ đã từng làm công tác y học dự phòng; bên cạnh đó là đào tạo theo địa chỉ, song việc học liên thông, liên kết cũng phải mất 4 năm. Cho nên thời điểm hiện tại, nước ta đang thiếu trầm trọng bác sĩ y tế dự phòng.

Hiện tại, ngân sách dành cho chống dịch, phụ cấp chống dịch cho y tế dự phòng còn rất hạn hẹp, cho nên Bộ Y tế đã trình các Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho hoạt động y tế dự phòng, trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực này./.

 

Theo VOV


.