Sau nhiều tháng tranh cãi vì lo ngại về an ninh sinh học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa quyết định cho phép công bố nghiên cứu gây nhiều tranh cãi về biến thể của virut cúm gia cầm H5N1 để đáp lại sự quan tâm của công chúng.
Virut gây bệnh chết người này vẫn là vấn đề lớn ở nhiều nước, từ Indonesia đến Ai Cập. Giờ đây, các nhà khoa học từ Mỹ và Hà Lan đã tạo ra những biến thể virut cúm gia cầm H5N1 có thể lây lan dễ dàng hơn từ người sang người.
Khoảng 600 người đã bị nhiễm cúm gia cầm trên khắp thế giới và một nửa trong số đó đã tử vong. |
Khi biến thể virut H5N1 lây lan từ người sang người, hơn 60% số người bị nhiễm sẽ tử vong. Như vậy, biến thể của virut này trở thành một trong những chủng cúm nguy hiểm nhất được phát hiện từ trước đến nay.
Theo bác sĩ Grahm Burgess thuộc Đại học James Cook, kết quả nghiên cứu trên vô cùng quan trọng để các nhà khoa học có thể phát triển vắcxin, các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán và thuốc chống virut có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra đại dịch H5N1.
Nhưng các chuyên gia đã kêu gọi cần giữ bí mật chi tiết của công trình này. Các chuyên gia an ninh sinh học lo ngại biến thểcủa loại virut mà các nhà khoa học ở Hà Lan và Mỹ tạo ra có thể vượt khỏi phòng thí nghiệm, lan tràn vào cộng đồng hoặc rơi vào tay những kẻ xấu.
Virut H5N1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1997 tại Hong Kong và lây lan chủ yếu giữa gia cầm của nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, cho đến nay, loại virut này vẫn tồn tại trong hình thức khó có thể lây cho người.
Từ năm 2003, 600 người trên thế giới đã bị lây nhiễm loại virut này và khoảng một nửa trong số đó đã tử vong.
WHO công bố nghiên cứu trên giữa lúc dịch cúm gia cầm hoành hành trở lại ở nhiều nước châu Á.
Cúm gia cầm đã khiến 10 người chết tại Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Ai Cập kể từ tháng 12/2011.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam có 121 ca cúm A/H5N1 được ghi nhận ở người, trong đó 61 ca tử vong, đứng thứ hai chỉ sau Indonesia.
Theo Dân Trí