Nốt lặng buồn ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm

03:02, 15/02/2012
.

(QNĐT)- Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) được xây dựng đã 5 năm, đến nay đã dần xuống cấp, thiếu người hướng dẫn du lịch, phương tiện khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu. Đường du lịch mở rồi tắc nghẽn, phương tiện phục vụ khách du lịch hư hỏng theo thời gian.

 

Ngay từ đầu cuốn nhật ký của nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trở về với Tổ quốc, với gia đình đã tạo sức hút khá mạnh từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ và nhân dân cả nước. Để tri ân tấm lòng hy sinh vì Tổ quốc, trong một thời gian ngắn bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đóng góp hơn 7 tỷ đồng để xây dựng Bệnh xá mang tên chị Trâm trên quê hương mà chị đã ngã xuống trong thời kỳ chống Mỹ.

 Bệnh xá Đặng Thùy Trâm - nơi lưu giữ những kỷ vật thể hiện lòng quả cảm của người y đức thời chiến
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.

 Bệnh xá xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2006 nằm sát bên Quốc lộ 1 A thuộc thôn Nga Mân xã Phổ Cường. Bệnh xá có các phòng chữa bệnh, một phòng truyền thống, lưu giữ những tranh, ảnh hiện vật liên quan về năm tháng hoạt động cách mạng ở chiến trường Đức Phổ của chị Trâm.

Bệnh xá có 15 biên chế và hợp đồng, thì đã có 3 bác sĩ đa khoa. Những y, bác sĩ đa số là con em của "đất lửa" Phổ Cường.

Trong nhiều năm qua, ngoài việc khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, Bệnh xá còn là nơi kịp thời cứu chữa những người gặp nạn khi đi qua đoạn đường này.

 

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ngày càng xuống cấp
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ngày càng xuống cấp

Tuy nhiên sau 5 năm đi vào hoạt động, Bệnh xá đã bắt đầu xuống cấp, đìu hiu vắng lặng. Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp - Trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm chỉ lên trần nhà, bảo: Những thanh sắt bắt ngang đỡ ngói lợp nhiều chỗ đã mục nát. Anh em trong Bệnh xá thấy vậy đã chặt tre vắt ngang đề phòng ngói rơi trúng khách tham quan. Phương tiện khám chữa bệnh cho nhân dân cũng thiếu.

Bệnh xá có 3 bác sĩ và các y sĩ đáp ứng được các việc, như mổ thông thường, siêu âm, xét nghiệm máu, nhưng lại thiếu thiết bị. Những bệnh thông thường mà không có phương tiện để cứu chữa bệnh nhân  nên bà con đã lên tuyến trên điều trị. Vì vậy, mà vài năm trở lại đây số lượng bệnh nhân cứ giảm dần.

Theo chỉ tiêu giao năm 2011, Bệnh xá điều trị 600 lượt người bệnh với công suất 10 gường bệnh nhưng thực tế chỉ có 7 gường bệnh, điều trị được 395 lượt người. Năm qua, các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, hen suyễn, huyết áp tăng cao, nhưng đa số bệnh nhân đều lên tuyến trên.

Du khách đến tham quan ở Bệnh xá cũng ngày càng giảm dần. Theo bác sĩ Diệp, lượng khách đến tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm chỉ còn 1/5 so với trước. Khách chủ yếu là thuộc các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh. Họ tạt ngang đến thăm khoảng 5 -10 phút rồi vội vàng đến địa điểm khác.

Khách du lịch thăm quan chủ yếu tự tìm hiểu thiếu hướng dẫn viên du lịch.
Khách du lịch thăm quan chủ yếu tự tìm hiểu vì thiếu hướng dẫn viên du lịch.


Một điều mà bác sĩ Diệp trăn trở là tuyến du lịch theo dòng Nhật ký Đặng Thùy Trâm được tỉnh đầu tư mở ra rồi tắc nghẽn. Hiện nay, hai chiếc thuyền sắt được đầu tư nhằm đưa khách tham quan qua hồ Liệt Sơn đến địa điểm bệnh xá và nơi chị Trâm ngã xuống đã mục nát, tuyến đường lu lấp, bệnh xá dã chiến hoang vắng không bóng người.

Nghe bác sĩ Diệp chia sẻ, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi. Rồi một mai đây, theo đà này, tuyến đường theo dòng nhật ký của chị Trâm có được mở rộng phục vụ khách tham quan? Tâm hồn và đức hy sinh của chị có được phát huy trong giới trẻ hôm nay, khi ở bệnh xá nơi lưu giữ những bức tranh ảnh, hiện vật của chị không có người thuyết minh...


Bài, ảnh: PV
 


.