Kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 -27/2/2012):
Nâng cao y đức vì sức khỏe nhân dân

03:02, 27/02/2012
.

(QNg)- 57 năm trước, trong thư gửi hội nghị cán bộ ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ trách nhiệm của mỗi thầy thuốc: "Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu".
 
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề y đức, một người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền hết lòng vì bệnh nhân. Trong quan niệm của mình, Người cho rằng: con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất.

Chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng tại BVĐK tỉnh.
Chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng tại BVĐK tỉnh.


Thực hiện lời Bác dạy, thời gian qua, nhiều cán bộ, chuyên viên, các y, bác sĩ trong ngành y ở mọi miền đất nước đã nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tận tâm tận sức, hết lòng vì người bệnh. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thầy thuốc hết lòng vì nhân dân, rất nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ điều trị hiệu quả, đem lại cuộc sống cho người bệnh, niềm vui cho các gia đình, giảm gánh nặng cho xã hội. Với thành tích nổi bật trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt với hàng chục đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đã minh chứng cho sự tận tụy, hy sinh thầm lặng của đội ngũ những thầy thuốc Việt Nam trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người thầy thuốc hiện nay đứng trước cơ chế mới phải đấu tranh để giữ vững bản chất nghề nghiệp, bảo vệ sự trong sáng của y đức. Trước những cám dỗ của đồng tiền, người thầy thuốc phải giữ bản lĩnh của mình, nhìn thẳng vào căn bệnh, vào thể trạng bệnh nhân mà điều trị, không phân biệt giàu nghèo để có sự quan tâm như nhau, phải lấy tư tưởng y đức của Bác làm kim chỉ nam để không bị lầm đường lạc lối gây ra những buồn phiền cho người bệnh.

Đây cũng là yêu cầu mà Bác đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh. Trong tình thương yêu, có lẽ không có tình thương yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình thương của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử. Đối với nghề khác nếu mắc phải sai lầm có thể còn có cơ hội để sửa đổi còn đối với nghề y nếu xảy ra một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Chính vì vậy, thực hiện và nâng cao y đức có ý nghĩa chính trị - xã hội rất sâu sắc và là việc làm vừa thường xuyên, vừa mang tính cấp bách của ngành y tế nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân và khôi phục lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", những năm qua, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y tế tỉnh nhà đã nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn, hoàn thành "sứ mệnh" chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bằng việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cam kết thực hiện nghiêm túc "Quy tắc ứng xử ngành y", đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà thi đua nâng cao y đức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hết lòng vì sự nghiệp "cứu người". Năm 2011 vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Quảng Ngãi tương đối phức tạp với bệnh tay chân miệng, bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân…  gây quá tải ở BVĐK tỉnh cũng cho thấy hình ảnh người thầy thuốc thức trắng đêm cùng bệnh nhân, hay nằm vùng tại vùng dịch bệnh ở xã Ba Điền (Ba Tơ) hàng tháng trời để tìm nguyên nhân bệnh…

Cùng với nâng cao y đức người thầy thuốc, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt kỹ thuật hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người bệnh là rất quan trọng. Vì vậy phong trào học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được các đơn vị chú trọng. Nhiều đơn vị có lộ trình, kế hoạch cụ thể để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Số cán bộ được cử đi đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

Tính đến nay, tổng số bác sĩ trên toàn tỉnh là 589 người, đạt 4,8 bác sỹ trên 1 vạn dân. Năm 2012 này, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động "Quy tắc ứng xử ngành Y" làm cơ sở, nền tảng; quan tâm hơn nữa đến đời sống cán bộ, nhân viên, người lao động; tạo điều kiện để các y, bác sĩ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Có như vậy, ngành y tế mới hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần củng cố và giữ vững hình ảnh của người thầy thuốc Việt Nam "vừa hồng, vừa chuyên" trong lòng người dân".


Thanh Thuận
                                                          
 


.