“Dịch cúm A/H5N1 nguy hiểm đã quay trở lại”

05:02, 08/02/2012
.

“Dịch cúm A/H5N1 nguy hiểm đã quay trở lại”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định sau khi Việt Nam ghi nhận 2/2 ca mắc cúm A/H5N1 mới đều tử vong, chiếm gần 50% số trường hợp tử vong và mắc trên thế giới trong những ngày đầu năm này.

 
 

Đánh giá 2 ca tử vong là do chủ quan trong điều trị,
Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn lại cho cán bộ y tế
 
Chiều nay (7/2), tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Bộ Y tế, TS Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục y tế dự phòng đánh giá: 2 ca tử vong do cúm A/H5N1 được ghi nhận đầu năm 2012 là do “phát hiện bệnh quá muộn” (3-6 ngày mới phát hiện bệnh) vì cán bộ y tế không nghĩ tới nguy cơ cúm H5N1 do không ghi nhận ca mắc cúm này trong gần 2 năm qua.

 

 

Theo thông báo của WHO, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn thế giới ghi nhận 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trong đó có đến 5 trường hợp tử vong tại 5 quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia và Việt Nam. Trong đó riêng Việt Nam có 2 trường hợp mắc và tử vong.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh các nhiệt đới TƯ, Hà Nội, cho biết: Cả hai bệnh nhân này được điều trị bằng thuốc Tamiflu sau 3 ngày khởi bệnh là quá muộn, lúc đó đáp ứng thuốc đã kém.
 
Cụ thể, bệnh nhân thứ nhất xác định nhiễm H5N1 sau khi đã tử vong và có biểu hiện bệnh 6 ngày. Còn trường hợp thứ 2 đi khám 2 lần tại bệnh viện và chỉ được kê Tamiful, thuốc đặc trị cúm A/H5N1 ở ngày thứ 5 phát bệnh. 
 

TS Kính khuyến cáo các đơn vị y tế: “Nếu nghi ngờ cúm thì nên sử dụng Tamiflu ngay, chúng ta không thiếu thuốc. Hơn nữa, việc điều trị không chỉ thở máy mà cần kết hợp cả lọc máu sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong rất nhiều”.

 

Đề xuất tổ chức tập huấn lại để nhắc nhở cán bộ y tế về việc chẩn đoán và điều trị sớm cúm H5N1 cũng nhận được sự đồng thuận từ Bộ Y tế.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, người dân không nên ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc chết. Ngoài ra đã có hiện tượng chủng vi-rút cúm trên gia cầm biến đổi, kháng vắc-xin (có sự phân nhánh vi-rút 2.3.2 thành 2 nhóm: nhóm a (cũ), vắc-xin chỉ đáp ứng 75%, nhóm 2.3.2.b (chủng mới) vắc-xin hiện không có tác dụng) nên có nguy cơ gây dịch bùng nổ trên đàn gia cầm. Chưa kể, vi-rút này còn tồn tại cả trên các đàn thuỷ cầm nhưng lại không biểu hiện bệnh. Điều  này làm cho việc kiểm soát bệnh gặp khó khăn.

 

Báo cáo của Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay đã có 03 đại phương ghi nhận dịch cúm gia cầm. Hiện nay cả nước còn 03 tỉnh là: Thanh Hóa, Quảng trị, Sóc Trăng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và có nguy cơ bùng phát ở nơi khác.

 
 
Theo Dân Trí

 


.