Trước thông tin Việt Nam xác định có bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm lợn H3N2, TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Việt Nam cho biết, cúm AH3N2 không nguy hiểm, tất cả các bệnh nhân phát hiện nhiễm bệnh đều khỏi bệnh một cách nhẹ nhàng, vì thế không cần quá lo lắng.
Ảnh: Internet |
Theo TS Nguyễn Văn Kính, bản chất cúm AH3N2 có nguồn gốc từ lợn, trong nhiều năm đã trở thành cúm mùa, nghĩa là dạng cúm thông thường. Riêng trường hợp Việt Nam mới phát hiện thì chủng cúm có đột biến đôi chút. Cho đến nay, thế giới mới phát hiện khoảng 10 trường hợp nhiễm chủng cúm H3N2 mới này và chưa có bằng chứng thấy lây từ người sang người. Bệnh nhân có bệnh cảnh giống hệt các bệnh cúm khác nhưng nhẹ và đều được chữa khỏi.
TS Nguyễn Văn Kính cho biết: “1 trường hợp nhiễm cúm A/H3N2 mới phát hiện tại nước ta thực ra là ca đầu ở Việt Nam chứ thế giới đã phát hiện rải rác nhưng không nguy hiểm. Cái nguy hiểm nhất là cúm A/H5N1 tức là cúm gia cầm mà hiện nay ở Việt Nam đang bùng phát, ít nhất là ở Việt Nam đã ghi nhận ở 11 tỉnh. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào cái mới và quên đi cái nguy hiểm đang rình rập chúng ta thì mới là cái đáng lo ngại”.
Trong các loại cúm ở người, cúm A/H5N1 có độc lực mạnh nhất, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao. Hiện trên thế giới chỉ có một số nước đang có dịch là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Ai Cập. Từ đầu năm, Việt Nam đã có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 và đều tử vong. Đáng lưu ý là với thủy cầm như ngan, vịt khỏe mạnh, nhưng vẫn có thể phân lập được virus cúm H5N1, khác với gà- nếu mắc cúm sẽ ốm, chết. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tiếp xúc, giết mổ gia cầm đúng cách, không ăn tiết canh, nếu sống trong vùng có dịch mà thấy triệu chứng hắt hơi, sốt, nhức đầu thì cần đến cơ sở y tế khám.
Theo VTV