(QNĐT)- Hiện nhiều trạm y tế xã trong tỉnh đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhân sự và các trang thiết bị cần thiết. Điều này đã tác động lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh tại nhiều địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xuống cấp trầm trọng
Chỉ tay về phía tấm bằng khen được treo ngay ngắn trên tường, bác sĩ Lê Hùng- Trạm trưởng Trạm y tế xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) chua xót kể: Trước đây, Trạm y tế này là một trong những trạm đứng đầu trong huyện về cơ sở vật chất và cung cách phục vụ bệnh nhân nên mới được công nhận là Trạm y tế xã đạt Chuẩn quốc gia vào năm 2008.
Phòng cấp cứu ở Trạm y tế xã Nghĩa Hòa với lớp la phông xuống cấp |
Đó là chuyện của những năm trước, còn nay ngoài số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh theo BHXH thì chẳng còn ai đến đây khám, chữa bệnh. Nếu có thì chỉ là điều trị ngoại trú, bởi trạm y tế đã xuống cấp nặng nề.
Được xây dựng từ năm 1986, đến nay Trạm có 6 phòng trong số 11 phòng bị bỏ hoang trong thời gian dài vì dột nát, xuống cấp trầm trọng. Bờ tường các phòng bám đầy rêu mốc, xuất hiện ngày càng nhiều các vết rạn nứt, bong tróc. Trên trần nhà của phòng cấp cứu, các tấm la phông được đóng lâu ngày đã xỉn màu, mục dần, thậm chí bật ra, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Sau một hồi khảo sát, chúng tôi dừng chân tại dãy nhà cửa đóng, then cài. Bước vào trong, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hoang tàn, mái ngói bị vỡ, các cây đà trên trần nhà có dấu hiệu rệu rã, mục nát. Mạng nhện và bụi bẩn ở khắp nơi.
Dược sĩ Trần Đình Ba, ái ngại cho biết: Đây là khu vực phòng sinh và phòng hậu sản, đã bị đóng cửa, bỏ không cho biết. Nếu như trước đây, Trạm tiếp nhận hơn 10 ca sinh sản thì hiện tại, do tình trạng xuống cấp của khu nhà nên cả tháng cũng chẳng có lấy một bệnh nhân. Các ca sinh sản ở địa phương đều được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, hầu hết đồ dùng của Trạm như bàn ghế, tủ đựng dụng cụ y tế, giường... đều đã quá cũ, hư hỏng nặng. Hiện tại, 10 cán bộ, nhân viên y tế của Trạm đang làm việc trong điều kiện không có máy vi tính và các trang thiết bị hiện đại khác.
Đặc biệt, do ở khu vực trũng thấp nên Trạm y tế luôn trong tình trạng ngập úng, không đảm bảo vệ sinh môi trường vào mùa mưa lũ. Nhân dân địa phương muốn đến Trạm khám, chữa bệnh phải xắn quần, lội nước qua khu vực sân Trạm.
Ngoài việc khu nhà xuống cấp thì các đồ dùng của Trạm cũng đã quá cũ kỹ, hư hỏng nặng |
Bác sĩ Lê Hùng bức xúc: Điều kiện làm việc không đảm bảo như vậy đã làm cản trở chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương. Do vậy, rất mong cấp trên đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất để đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi có thể yên tâm công tác và từng bước nâng cao chất lượng y tế.
Điệp khúc luân chuyển bác sĩ
Ngoài vấn đề trạm xá xuống cấp, tình trạng thiếu bác sĩ luôn là nỗi trăn trở của các trạm y tế xã. Trạm y tế xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) là một điển hình. Cùng với việc cơ sở vật chất đang xuống cấp, Trạm y tế xã còn phải đối diện với tình trạng thiếu bác sĩ trong thời gian dài.
Điều đáng nói ở đây là, từ năm 2008 đến nay, vẫn có bác sĩ về phụ trách chính công việc tại trạm, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại được luân chuyển đến nơi khác. Đặc biệt, từ đầu tháng 7/2011 đến nay, không có bác sĩ nào chính thức đến nhận công tác tại Trạm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Mộ Đức cho biết: Trước đây, bác sĩ Lê Anh Thiên phụ trách Trạm y tế xã Đức Phong, nhưng vì bác sĩ Thiên đã làm đơn xin chuyển công tác, cộng với việc Bệnh viện đa khoa huyện Mộ Đức đang thiếu bác sĩ trầm trọng nên chúng tôi đã luân chuyển bác sĩ Thiên về bệnh viện tuyến huyện.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn điều động bác sĩ từ các Trạm tuyến xã như Đức Minh, Đức Lợi, Đức Hiệp… luân phiên về giúp Trạm y tế xã Đức Phong nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Việc thiếu bác sĩ tuyến xã là điều không thể tránh khỏi”- ông Sơn phân trần.
Việc thiếu bác sĩ đã khiến cho chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều trạm y tế xã không đạt hiệu quả cao |
Tuy nhiên, y sĩ Lê Thị Thanh Nhàn- Phó Trạm y tế xã Đức Phong cho biết: Việc luân chuyển bác sĩ liên tục như vậy đã gây trở ngại rất lớn cho công tác khám chữa, bệnh. Nhiều lúc, bác sĩ ở các trạm khác không thể đến theo lịch phân công vì nhiều lý do thì các y, dược sĩ tại trạm phải đảm nhiệm việc khám, chữa bệnh trong tình trạng vắng bác sĩ.
Với điều kiện hiện tại, Trạm y tế xã Đức Phong chỉ thực hiện việc khám, chữa bệnh thông thường như đo huyết áp, cấp thuốc… Những ca bệnh khó hơn thì đành phải chuyển lên tuyến trên.
Y sĩ Nhàn bày tỏ: Cách điều động bác sĩ từ các trạm khác theo từng ngày như hiện tại chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng tôi khẩn thiết mong cấp trên sớm sắp xếp một bác sĩ về Trạm để công tác chăm sóc y tế cho hơn 20 ngàn người dân xã Đức Phong đạt hiệu quả cao hơn.
Không chỉ có Trạm y tế xã Nghĩa Hòa, Đức Phong mà còn rất nhiều Trạm y tế xã khác trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu các trang thiết bị cần thiết và đặc biệt là thiếu bác sĩ.
Diện tích rộng, địa bàn xa bệnh viện trung tâm nên Trạm y tế xã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, với điều kiện thiếu thốn trăm bề của các trạm y tế xã thì chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương không đảm bảo là điều không thể tránh khỏi.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu HĐND đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi về thực trạng xuống cấp, cũng như thiếu bác sĩ tại các trạm y tế xã. Tuy nhiên, câu trả lời cho bài toán chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã này vẫn còn bị ngành y tế bỏ ngõ.
Thanh Phương