(QNĐT)- Từ tháng 5/2011 đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ xuất hiện một triệu chứng bệnh lạ mà ngành y tế Quảng Ngãi chưa gặp phải. Da lòng bàn tay, bàn chân người bệnh nổi sần rồi bong từng lớp, miệng lở loét và đã có một trường hợp tử vong.
Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 19/4 đến 25/5/2011, trên địa bàn huyện Ba Tơ xuất hiện một số trường hợp người dân mắc bệnh tổn thương ngoài da không rõ nguyên nhân mà ngành y tế chưa gặp phải. Vì lẽ đó mà dư luận gọi là "bệnh lạ".
Sau một thời gian nằm viện theo dõi và điều trị có 39 trường hợp khỏi bệnh được xuất viện, 1 trường hợp tử vong. Còn 5 trường hợp có triệu chứng bệnh nặng nên được chuyển ra Bệnh viên Da liễu Trung ương (Hà Nội) để điều trị.
Theo hồ sơ bệnh án, cả 5 trường hợp trên đều được chẩn đoán là dày sừng lòng bàn tay, bàn chân do nhiễm độc. Tuy nhiên, điều khiến ngành y tế Quảng Ngãi lo lắng là, chất độc đó là gì thì vẫn chưa có câu trả lời từ phía Bệnh viện Da liễu Trung ương, vì chưa phát hiện được.
Bệnh này sau đó lắng xuống nhưng cuối tháng 8/2011 thì bùng phát trở lại với 2 trường hợp mắc bệnh. Đó là cha con ông Phạm Văn Kiều (59 tuổi) và Phạm Văn Đỉ (24 tuổi), ở xã Ba Điền, đều có triệu chứng như các trường hợp trên.
Bà Lê Thị Bích Liên- Trưởng Khoa Da liễu - Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi, cho biết: Hai trường hợp này được chuyển từ Bệnh viện huyện Ba Tơ xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi ngày 23/8/2011. Bệnh nhân có biểu hiện miệng lở loét, lòng bàn tay, bàn chân nổi sần. Qua xét nghiệm, bệnh nhân có dấu hiệu men gan cao, thiếu máu, suy thận...
Đa số các y, bác sĩ trong Khoa Da liễu nhận định, đây là trường hợp bệnh lý tổn thương da với biểu hiện dày sừng nghi do nhiễm độc. Bệnh này mang tính chất dịch tễ khu trú, trong cùng một gia đình, cùng địa bàn. Song, hiện tại chưa phát hiện được yếu tố, tác nhân gây bệnh.
Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục y tế dự phòng hỗ trợ về chuyên môn trong công tác chẩn đoán và điều trị đối với căn bệnh này. Song, đến nay Sở vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp xử lý, điều trị cho bệnh nhân từ các cơ quan trên nên ngành gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý và điều trị.
* Trường hợp tử vong là cháu Phạm Thị Bông (12 tuổi) ở xã Ba Điền, bị mất tại Bệnh viện Sản- Nhi thành phố Đà Nẵng. Cháu Bông nhập viện cũng với triệu chứng bệnh này nhưng do chậm đưa đến bệnh viện để khám điều trị nên bị suy đa phủ tạng, nghi do nhiễm độc. |
PV