Trạm xá trên vùng tái định cư Ba Liên

02:07, 11/07/2011
.

(QNg)- Trạm xá Ba Liên (Ba Tơ) nhỏ bé nằm sát bên chân núi. Ở Trạm không có giếng nước, nhà vệ sinh,  nhưng các y bác sĩ, đã âm thầm vượt qua những khó khăn, để chữa bệnh cho đồng bào mình...

Nắng gắt, các bệnh mùa hè cũng tăng theo. 7 giờ sáng của ngày đầu tháng 7, trạm xá Ba Liên đông người. Bệnh nhân và người nhà chủ yếu là đồng bào Hrê ở vùng tái định cư Ba Liên đến khám chữa bệnh. Già Phạm Văn Thiết đưa vợ đến khám ở Trạm xá, cho biết: "Nhờ các thầy thuốc mà vợ tôi được cứu chữa kịp thời. Chứ vài năm nay vợ tôi bị huyết áp cao, khổ quá". Trong khi đang khám bệnh, bỗng bác sĩ Thái vội dừng lại chuyển cho một y sĩ khác, rồi mang túi thuốc ra đi. Hóa ra anh Phạm Văn Nga có con bị bệnh tiêu chảy đã hai hôm nay, nhưng do người nhà đi làm keo nên không đưa cháu đến Trạm. Giờ biết được nên bác sĩ Thái phải đi cứu ngay, chứ không thì tính mạng cháu nhỏ nguy mất.

Ở vùng tái định cư Ba Liên cách xa trung tâm huyện, nếu các y, bác sĩ thiếu trách nhiệm và sự nhiệt tình, thì nhiều người nguy hiểm đến tính mạng. Người dân gọi các y, bác sĩ với lòng tin yêu là các thầy thuốc. Bởi họ không chỉ giúp dân khám chữa bệnh, mà còn tuyên truyền hướng dẫn cho bà con cách ăn uống hợp vệ sinh, sinh đẻ  có kế hoạch; thực hiện khám bệnh định kỳ, cách bảo vệ sức khỏe theo từng mùa mưa, nắng. Tôi đã gặp bác sĩ người Hrê Phạm Thị Thái. Bác sĩ Thái bộc bạch: “Mình là con đồng bào Hrê, nên hiểu tập quán sinh hoạt cũng như sự tín ngưỡng của dân tộc mình và cố gắng điều trị bệnh cho bà con khỏe mạnh...".

Bác sĩ Thái sinh ra bên dòng sông Liên thuộc xã Ba Thành. Lúc nhỏ chị chứng kiến bao cảnh ly tan của nhiều gia đình có người thân mắc phải những bệnh đơn giản, nhưng không được điều trị, mà cúng bái, nên bệnh ngày càng nặng, rồi chết. Lớn lên đi học nghe các thầy giáo nói về nghề y, chị khao khát được dự thi vào nghề này. Cũng từ nỗi khao khát đó, chị vượt qua những bữa đói chỉ ăn củ mì, vượt sông, lội bộ hàng km để đến trường. Cuối cùng chị đi học trung cấp y tế Quảng Ngãi. Ra trường công tác được vài năm, cấp trên thấy chị nhiệt tình, cho phép chị được học đại học y ở Huế. Chị lại tất tả xa quê lên đường đi học.

Năm 2010 chị Thái tốt nghiệp Đại học Y và trở về quê làm bác sĩ ở Trạm y tế. Còn chị Phạm Thị Tâm - người Hrê hiện đang làm trưởng Trạm y tế xã, quê ở xã Ba Liên cũ. Chị hiểu đồng bào mình thường có thói quen ăn bốc, uống nước mà không đun sôi và sinh đẻ không kế hoạch.. Vì vậy nên nhiều đứa trẻ còi cọc, lớn lên trong thiếu thốn. Chị Tâm quyết định học ngành y, để ước mơ sau này làm tốt công tác xã hội hóa y tế ở thôn bản mình. Như bước chân không mỏi, từ một cô y tá thôn đến tất cả các thôn làng vận động khuyên bảo bà con, tuyên truyền ăn chín uống sôi, ngủ có màn...
 
Và nỗ lực trong công việc, trong học hỏi, nên chị Tâm đã là trưởng trạm y tế. "Trạm mình chỉ khám chữa bệnh ban đầu, nhưng cái cốt lõi là tuyên truyền cho bà con hiểu đến khám bệnh tại trạm, là mừng. Muốn vậy nên anh em trong trạm từ  bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh đều nỗ lực trong chuyên môn nghiệp vụ và chăm sóc, thăm hỏi người bệnh.

Mưa dầm thấm lâu, đồng bào Hrê trên vùng tái định cư Ba Liên giờ đã biết cách phòng chống sốt rét, phòng chống lao, đến bệnh xá tiêm chủng mở rộng; những bà mẹ mang thai đều đến trạm khám thai định kỳ, chứ không còn cúng bái như trước.

Trạm xá Ba Liên tuy được xây dựng nằm bên Quốc lộ 24B, nhưng công trình nước sạch bị hư hỏng, nhà vệ sinh là  nơi bìa rừng. Trưởng trạm y tế xã Phạm Thị Tâm cho biết: "Nhiều lúc đi tuyên truyền cho dân ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, mọi nhà có công trình vệ sinh hố xí, để hạn chế các dịch bệnh về tiêu chảy, đường ruột, bà con nói:  Trạm xá  của chúng mày  cũng không có mà...". Nghe lời nói thật của bà con mà xót, nên đầu năm 2010 anh em trong trạm trích tiền lương thuê người đào hố, mua tôn, làm nhà vệ sinh.
 
Bây giờ nhà vệ sinh đã giải quyết tạm, nhưng vấn đề nước sinh hoạt vẫn không thể khắc phục được. Ở trạm có 6 biên chế (1 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh và 1 cử nhân điều dưỡng). Có những người vì xa quê nên ở lại. Mỗi khi khám bệnh rửa dụng cụ phải xách nước từ xa về. Bà con ở xa đến khám muốn rửa chân tay trước khi khám, cán bộ trạm đành phải chỉ tay ra bìa suối. Những y, bác sĩ ở xa gia đình ở lại trạm cũng phải đi đến dân xin xách nước nhờ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng có ai giải quyết cho đâu. - Trưởng trạm y tế xã Phạm Thị Tâm nói.

Từ thực trạng trên, đề nghị  huyện Ba Tơ quan tâm tu sửa công trình nước, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đàng hoàng, để không chỉ thuận lợi cho y bác sĩ, mà còn thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh ở Trạm xá Ba Liên

MAI HẠ

.