Công tác y tế ở huyện đảo Lý Sơn: Còn đó những khó khăn

08:06, 07/06/2011
.

(QNg)- Nhờ sự quan tâm, trợ lực từ nhiều phía, Bệnh viện Quân dân y kết hợp Lý Sơn (BV) đã đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh cho người dân huyện đảo. Tuy nhiên hiện BV đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khám, chữa bệnh tại chỗ…

"Thời gian trước mỗi khi đau ốm là người dân thường đón tàu để vào Bệnh viện đa khoa tỉnh khám và điều trị. Bởi bệnh viện Lý  Sơn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực còn thiếu hụt. Nhưng giờ thì khác, không chỉ đến khám, chữa bệnh mà bệnh nhân còn đề nghị chúng tôi thực hiện các ca phẫu thuật trung phẫu, chứ không yêu cầu chuyển viện như trước" - Phó giám đốc Bệnh viện Quân dân y kết hợp Lý Sơn Dương Tiến Thuận phấn khởi cho biết.
 
Điều dưỡng  viên đang chăm sóc bệnh nhân tại BV Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn.
Điều dưỡng viên đang chăm sóc bệnh nhân tại BV Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn.

 Thực tế chỉ mới hơn một năm trước ngay cả việc điều trị một số bệnh liên quan đến răng, súc rửa dạ dày cho những trường hợp ngộ độc, mà BV cũng "sơ cứu, chuyển viện", vì thiết bị máy móc thô sơ, cũ kỹ, nên kết quả chẩn đoán và điều trị cứ "đá" nhau. Hơn nữa, ngoài việc khám và điều trị những bệnh thông thường, thì BV còn phải đảm nhận xử lý những ca bệnh khẩn cấp, nhất là trong mùa mưa bão, khi huyện đảo bị cô lập với đất liền. Nhưng với trang thiết bị y tế luôn hư hỏng và “dở chứng” bất ngờ đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh. Vì thế việc người dân e dè, mất niềm tin  khi phó thác tính mạng của mình tại đây  là điều dễ hiểu.

Nhưng từ sau khi tiếp nhận món quà ý nghĩa mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trao tặng BV nhân chuyến về thăm và làm việc tại huyện vào năm ngoái (gồm các loại máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị như: Máy răng đa năng, máy súc rửa dạ dày và máy siêu âm hiện đại), thì mọi chuyện đã thay đổi. Không chỉ chủ động hơn trong công tác khám, chữa bệnh, mà đội ngũ y bác sĩ tại BV đã có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nhờ tiếp cận các thiết bị y tế hiện đại, đủ khả năng đảm nhận các ca trung phẫu tại chỗ. Nhờ vậy trong năm 2010, giữa lúc bão lớn, khi mọi thông thương với đất liền gần như bị tê liệt, thì ê kíp bác sĩ của BV đã phẫu thuật thành công một ca viêm ruột thừa cấp, đã làm nức lòng người dân. "Đó là ca mổ nghẹt thở có một không hai, bởi chúng tôi thực hiện ca phẫu thuật dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật từ Sở Y tế qua… điện thoại" - bác sĩ Thuận nhớ lại.

Hiện nay ngoài ê kíp gây mê - hồi sức, BV đã có đội mổ sản, tiêu hóa và kênh xét nghiệm, đủ khả năng thực hiện các ca phẫu thuật như: Viêm ruột thừa cấp, thoát vị bẹn nghẹt, mổ lấy thai, nén bó bột do gãy xương… đã giúp người dân yên tâm khám, chữa bệnh tại BV mà không yêu cầu chuyển viện như trước. "Trước đây, cứ vào mùa mưa bão là chúng tôi sợ nhất bị viêm ruột thừa hay đẻ khó. Bởi lúc đó BV vẫn chưa xử lý được, nên tính mạng người bệnh đành trông chờ vào… vận may. Nhưng sau ca phẫu thuật viêm ruột thừa cấp năm ngoái, chúng tôi thực sự yên tâm điều trị tại đây, vừa gần nhà, vừa đỡ tốn kém chi phí" - bà Nguyễn Thị Bé (ở thôn Đông, xã An Hải) khẳng định.

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ nhiều phía, nhưng hiện BV vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà nan giải nhất chính là vấn đề làm sao để sử dụng hiệu quả máy móc, trang thiết bị. Bởi theo bác sĩ Thuận thì hầu như các loại máy hiện đại của BV chỉ sử dụng cầm chừng, thậm chí không thể sử dụng, vì nguồn điện không đảm bảo. Các thiết bị này rất dễ hư hỏng do bị oxy hóa vì… gió biển. Hiện BV có một số thiết bị như: Máy phân tích nước tiểu đã bị hỏng vì nguồn điện không ổn định; còn máy tạo oxy từ khí trời, máy X-quang cao tầng thì hiếm khi sử dụng (vì chi phí sử dụng máy nổ để cung cấp nguồn điện cao hơn rất nhiều so với việc mua oxy có sẵn), nên chỉ trong những trường hợp đột xuất thì mới cần sử dụng máy. Bên cạnh đó do chưa có xe cứu thương, nên việc trung chuyển những ca bệnh nặng thường thực hiện bằng xe gắn máy đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Với đặc thù là một huyện đảo, nên khi thời tiết xấu là bị cô lập với đất liền. Vì thế cứ đến mùa mưa bão, là đội ngũ y bác sĩ của BV luôn luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Do đó bên cạnh việc cần thiết phải trang bị thêm một số thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác điều trị ngoại khoa, dụng cụ phẫu thuật tiêu hóa và sản phụ khoa… thì BV Lý Sơn cần ưu tiên đầu tư đào tạo con người có chuyên môn, tay nghề và tâm huyết bám đảo. "Không riêng gì ngành y tế, mà người dân huyện đảo mong muốn nguồn điện tại đây sẽ sớm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe tại chỗ, nhằm giảm chi phí điều trị cho người dân" - bác sĩ Thuận trăn trở.           

                           Bài, ảnh: P.V

.