Mạng lưới y tế miền núi: Đồng bộ trong đầu tư cơ sở, thiết bị và nhân lực

10:05, 11/05/2011
.

(QNg)- Nhờ nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, nguồn nhân lực, trang thiết bị cho y tế miền núi ngày càng được nâng cao; mạng lưới y tế tuyến huyện, xã ngày càng được kiện toàn.

Trong những năm qua, các huyện miền núi đã đầu tư xây dựng nhiều trạm y tế từ nguồn vốn Chương trình 30a. Điển hình như huyện Sơn Tây đã tranh thủ nguồn hỗ trợ kinh phí từ Nghị quyết 30a để đầu tư cho công tác y tế địa phương, xây dựng Trạm y tế Chuẩn Quốc gia Sơn Mùa; trạm y tế xã Sơn Dung mới vừa được xây dựng xong, Trạm y tế xã Sơn Long, Sơn Liên đang triển khai xây dựng... Trong năm 2011 các trạm y tế xã Ba Tô, Ba Tiêu (Ba Tơ); Sơn Linh, Sơn Thành (Sơn Hà) đang được xây dựng mới. Đây là những công trình nhằm góp phần rất lớn vào công tác chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân miền núi.
 
Trạm y tế xã Sơn Mùa (Sơn Tây).     Ảnh: KN
Trạm y tế xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Ảnh: KN

Công trình trạm y tế xã Trà Phú  là 1 trong 5 công trình nằm trong Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai trên địa bàn huyện Trà Bồng, do Tổng Công ty lương thực miền Nam làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 1.100m2, bao gồm các hạng mục: Các phòng bệnh, tường rào cổng ngõ, hệ thống điện nước, thiết bị y tế, văn phòng.... Tổng vốn đầu tư xây dựng công trình trên 2,3 tỷ đồng. Trạm y tế Trà Phú đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Cùng với Trạm y tế xã Trà Phú, Trạm y tế xã Trà Lâm đã được đầu tư xây mới, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Trước khi được đầu tư xây dựng trạm y tế mới, trạm y tế xã Trà Lâm và Trà Phú đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Công trình Trạm y tế xã Trà Thanh (Tây Trà) có diện tích xây dựng 240m2, theo trạm chuẩn quốc gia, tổng mức đầu tư 1.763 triệu đồng. Đến nay trạm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, không chỉ phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong xã, mà còn phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương lân cận. Còn đối với Trạm y tế xã Sơn Mùa (Sơn Tây), trước đây là một ngôi nhà cấp 4, đến nay được đầu tư xây dựng mới hàng tỷ đồng. Bác sĩ Đinh Hồng Nhía- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sơn Tây cho biết: "Thông qua Chương trình 30a, huyện Sơn Tây được đầu tư xây mới nhiều trạm y tế. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, các trạm y tế xã được trang bị nhiều trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đây là cơ sở để các trạm y tế  phấn đấu đạt chuẩn quốc gia".

Có thể nói, từ khi Chương trình 30a được triển khai, các địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều trạm y tế mới, tác động tích cực đến công tác khám chữa bệnh ở các huyện miền núi. Đến nay đã có 5 trạm y tế xã miền núi đạt chuẩn Quốc gia. Không chỉ đầu tư xây dựng trạm y tế xã, các địa phương còn tranh thủ các nguồn vốn của dự án y tế nông thôn (ADB) triển khai xây dựng mới trung Tâm y tế huyện khá hiện đại. Các trung tâm y tế huyện được trang bị những phương tiện phục vụ cho công tác chẩn đoán chữa bệnh như máy X-Quang (trừ Tây Trà), siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, dụng cụ trung đại phẫu... Hiện nay 100%  huyện ở vùng này đã có trung tâm y tế. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn có trạm y tế và y sĩ. Đa số thôn, làng đã có cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Ông Phạm Hồng Phương- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Trong gần 3 năm qua, công tác y tế ở các huyện miền núi được sự quan tâm rất lớn của các cấp ngành. Đặc biệt cơ sở vật chất, kỹ thuật y tế miền núi ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại thông qua các chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 134, 135… đã tác động đến sự phát triển mạng lưới y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác điều trị  tại các huyện miền núi vẫn còn thiếu bác sĩ chuyên khoa. Để nâng cao chất lượng điều trị, Sở Y tế đã thực hiện Đề án 1816, cử cán bộ y tế có trình độ nghiệp vụ cao lên công tác tại các trung tâm y tế huyện miền núi. Hằng năm đều cử bác sĩ, kĩ thuật viên lên hỗ trợ công tác chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa ở các huyện vùng cao như Tây Trà, Sơn Tây…

  KN

.