(QNg)- Hiện nay đa số các sản phụ thường chọn trạm y tế, bệnh viện làm nơi "vượt cạn", nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì ngược lại, hầu hết chị em thường sinh đẻ tại nhà, mà hiếm khi gõ cửa các trung tâm y tế…
Đến trung tâm y tế sinh đẻ: Ngại!
Để đến được làng Tốt - một ngôi làng nằm sâu trong hốc núi ở xã vùng cao Ba Lế (Ba Tơ), chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ để băng qua con đường độc đạo được kẹp bởi vách núi và vực sâu và hai con suối. Đi lại gian khó như thế, nên việc người dân được tiếp cận thường xuyên với các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe - nhất là sức khỏe sinh sản (SKSS) là rất hiếm.
Sinh đẻ tại các Trung tâm y tế, bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe. Ảnh: M.HOA |
Vì thế việc họ cảm thấy lạ lẫm, thậm chí khó chịu khi chúng tôi đề cập đến chuyện sinh đẻ, chăm sóc SKSS cũng là điều hiển nhiên. Bởi với họ, vấn đề này là chuyện bí mật của mỗi người, nên không thể chia sẻ với người khác. Nhất là việc đến trạm y tế để sinh đẻ, thì càng không thể vì… ngại! Chính vì ngại, nên 100% thai phụ nơi đây chưa bao giờ đặt chân đến các trung tâm y tế để khám và chăm sóc sức khỏe, cũng như lúc sinh đẻ; thậm chí có người đã trải qua 3 - 4 lần sinh con, nhưng chưa một lần "vượt cạn" tại cơ sở y tế là chuyện-bình-thường! "Chị em trong làng mỗi lần sinh con là đã có bà mụ đỡ đẻ, nên yên tâm. Đến trạm y tế xã vừa xa, vừa ngại lắm" - chị Phạm Thị Riêng - một sản phụ vừa sinh con thứ 2 tròn 1 tháng cho biết. "Vậy sinh tại nhà, nhỡ có chuyện gì bất trắc thì làm thế nào" - tôi hỏi? "Đã có bà mụ rồi thì không sao hết. Mà lỡ có gì thì đó là do nhà ấy chưa được… hưởng phúc" - chị Riêng khẳng định.
Còn tại làng Reng, Cà Xen của xã Long Môn (Minh Long), thì việc sản phụ sinh con tại nhà là chuyện bình thường, đến trung tâm y tế mới là… bất thường! Bởi phong tục của đồng bào nơi đây là cứ gần đến ngày sinh, họ sẽ mời thầy cúng để được "mẹ tròn con vuông" và sau đó là phó thác tính mạng của hai mẹ con vào sự… "mát tay" của bà mụ. Chỉ khi nào bà mụ… bó tay, thì họ mới gõ cửa bác sĩ, nhưng thường là đã quá muộn.
Không riêng gì làng Tốt, làng Reng hay Cà Xen, mà hiện nay, rất nhiều thôn, bản nằm ở vùng sâu, vùng xa, do đường sá đi lại khó khăn, nên việc các sản phụ tìm đến các trung tâm y tế để sinh đẻ là rất hiếm. Tuy nhiên đó chỉ là nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chính là bởi việc sinh đẻ tại nhà vốn là phong tục từ bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó bên cạnh sự thay đổi về nhận thức của bà con, thì hiện nhiều nơi vẫn còn tồn tại quan niệm này, bởi với họ, việc đến trung tâm y tế sẽ "bị" bác sĩ chạm vào người - đây là điều họ không thể chấp nhận!
Trông chờ vào y tế thôn, bản…
Việc sinh đẻ tại nhà không ai có thể đảm bảo rằng, cả mẹ và đứa trẻ sẽ được an toàn khi trong tay bà mụ chẳng có gì ngoài thói quen và kinh nghiệm đỡ đẻ. Hẳn người dân ở thôn làng Reng sẽ không quên cái chết của đứa trẻ vừa tròn một ngày tuổi - con của sản phụ Đinh Thị Ới. "Lúc bà đỡ bế thằng bé, mình nghe nó khóc thét lên. Ai cũng bảo là nó khỏe mạnh nên mới khóc to như thế. Nhưng không hiểu vì sao, người nó bỗng tím tái rồi chết" - chị Ới nhớ lại. Tuy nhiên sau cái chết thương tâm của đứa trẻ ấy, mọi người lại đổ lỗi là tại nhà chị Ới chưa được hưởng phúc! Vì thế, khi sinh đứa con thứ hai cách đây vài tháng, chị vẫn tin tưởng trao trọn tính mạng cả mẹ lẫn con cho bà mụ.
Lý giải về việc này, anh Đinh Văn Hàn, y tế viên thôn làng Reng cho rằng: Không phải chị em không biết đến trung tâm y tế sinh đẻ thì sẽ an toàn hơn, nhưng họ lại không mặn mà, thậm chí cự tuyệt với hai lý do: Một là chi phí sinh đẻ tại trạm cao do đường sá đi lại quá khó khăn. Hai là họ vẫn còn giữ quan niệm người lạ chạm vào mình và đứa trẻ thì sẽ không tốt. Vì thế mà 100% chị em trong thôn vẫn sinh đẻ tại nhà, mặc dù mình đã vận động và giải thích rất nhiều lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng - Phó giám đốc trung tâm y tế huyện Minh Long thì: Không riêng gì làng Reng, mà người dân ở các địa phương ở vùng sâu do giao thông cách trở, nên họ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận với các gói dịch vụ chăm sóc SKSS. Hơn nữa vì nhân lực y tế mỏng, nên khi triển khai các chiến dịch khám và tư vấn bệnh thường chỉ tập trung ở trung tâm xã. Vì thế người dân ở các thôn, bản xa hiếm khi tham gia. Điều đó đã gây khó khăn trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về chăm sóc SKSS, nhất là việc vận động họ đến trung tâm y tế để sinh đẻ. Bởi đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng phát triển của đứa trẻ. Vì thế chúng tôi trông chờ vào sự thay đổi của người dân thông qua lực lượng y tế thôn, bản.
Bác sĩ khám chữa bệnh cho trẻ em ở phòng khám đa khoa khu vực Mỹ Lai (Tịnh Khê, Sơn Tịnh). |
Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số lượng bà mẹ, trẻ sơ sinh bị chết do sinh đẻ tại nhà ở vùng sâu, vùng xa, nhưng ảnh hưởng của việc cả bà mẹ và đứa trẻ không được tiêm phòng, chẩn đoán và phòng ngừa bệnh ngay giai đoạn đầu thì đã rất rõ: Tỷ lệ trẻ mắc bệnh, suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm phát triển… ở các địa phương này rất cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của trẻ sau này.
MỸ HOA